Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang tiếp tục phát triển và gây mưa cho khu vực Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đan Phượng, Đông Anh, Quận Hoàng Mai, Mỹ Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thị xã Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Trì, Thường Tín đang di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành thành phố Hà Nội.
Đêm qua và rạng sáng nay, Đông Anh đón trận mưa lớn nhất từ đầu mùa với lượng mưa lên tới 234mm. Thanh Xuân ghi nhận lượng mưa lên tới 154mm, Thanh Trì 114mm.
Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông đều mưa lớn trên 100mm. Các khu vực khác của Hà Nội mưa phổ biến từ 50-100mm.
Đây là một trận mưa có cường độ rất lớn, trong thời gian ngắn, kết hợp với dông sét nhiều, làm phức tạp hơn tình hình ngập lụt vốn nghiêm trọng và kéo dài ở nhiều khu vực ven sông, ngoài đê các huyện ngoại thành Hà Nội.
Cảnh báo, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 10-20cm; Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu 25-30cm.
Lúc 6h sáng nay, lũ trên sông Tích tại Kim Quan, Vĩnh Phúc vẫn trên báo động 3, lũ trên sông Đáy tại Ba Thá ở mức báo động 2, lũ trên sông Cà Lồ trên báo động 2 là 35cm, lũ trên sông Bùi trên báo động 3 tới 59cm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, khu vực ven sông Bùi ở huyện Chương Mỹ phải mất thêm 8-10 ngày nữa mới có thể rút nước, khu vực ven sông Tích cũng cần 5-7 ngày để hết ngập lụt, hạ lưu sông Cà- Lồ, sông Nhuệ mất thêm 2-3 ngày.
Thiên Trường