“Xẻ thịt” cho thuê?
Nhiều tháng gần đây, PV liên tục nhận được phản ánh của người dân sinh sống tại phường Kim Mã (quận Ba Đình) về tình trạng khuôn viên của Nhà hát chèo Việt Nam đang bị sử dụng sai mục đích.
Có mặt tại Nhà hát chèo Việt Nam có địa chỉ tại số 71 Kim Mã, PV ghi nhận, tại mặt tiền của nhà hát giáp đoạn đường Kim Mã thì toàn bộ góc trái của nhà hát đang bị “xẻ thịt” cho thuê một cách công khai. Theo đó, toàn bộ góc trái của nhà hát đang được quán cà phê mang tên “Xưởng café” trưng dụng để kinh doanh.
Các cổng dẫn vào nhà hát đều được dọn dẹp sạch sẽ, khuôn viên rộng rãi, cửa đóng kín mỗi khi không có buổi biểu diễn. Vậy nhưng nếu nhìn sang quán café bên cạnh thì khiến không ít người phải lắc đầu ngán ngẩm.
Bên cạnh dòng chữ “Nhà hát chèo Việt Nam” được phóng to, đẹp đẽ treo trên khu cửa chính của nhà hát thì tại đây còn xuất hiện thêm biển hiệu quảng cáo của quán “Xưởng café”, thậm chí là biển hiệu “Bún cá phố cổ”… được chủ quán bày ra vỉa hè.
Phía trong quán, hàng chục chiếc ô dù cỡ lớn đều được gắn lô gô của “Xưởng café” đã được chủ quán bày la liệt kèm theo hàng ghế ngay tại sân trong của nhà hát để phục vụ “thượng đế” lui tới sử dụng dịch vụ của quán. Ngoài ra, chủ quán còn giăng đèn màu từ phía tầng 2 của nhà hát.
Theo tìm hiểu, Nhà hát Chèo Việt Nam là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa – nghệ thuật, chính trị – xã hội của thủ đô. Sau một thời gian cải tạo, sửa chữa và nâng cấp hệ thống trang thiết bị, rạp hát Kim Mã đã trở lại hoạt động từ cuối năm 2009. Tại đây, hiện nay với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông, Nhà hát Chèo Việt Nam thường xuyên thực hiện nhiệm vụ biểu diễn phục vụ khán giả với các chương trình song song trên cả sân khấu lớn và sân khấu nhỏ.
Sau khi đi vào hoạt động, ban lãnh đạo nhà hát đã bố trí khu vực gửi xe, giải trí để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân tộc của người dân. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, không biết lãnh đạo của nhà hát thực hiện theo chủ trương nào nhưng người dân sống tại khu vực Kim Mã vô cùng bức xúc khi chứng kiến nhà hát đang bị “xẻ thịt” trở thành quán café, ngang nhiên lấn chiếm sân chung của Nhà hát chèo Việt Nam.
“Tôi không biết chính xác từ khi nào nhưng nhiều tháng trở lại đây quán café Xưởng đã trưng dụng góc sân trái của nhà hát cũng như còn sử dụng hẳn một phòng gần đó để làm nơi pha chế cũng như làm kho để hàng của quán café”, ông Nguyễn Đình – một người dân sống tại phường Kim Mã cho biết.
Thực trạng Nhà hát chèo Việt Nam bị sử dụng sai mục đích đã nảy sinh ra nhiều bức xúc. Mỗi khi quán café đông khách, chậm chí tới mức quá tải thì chủ quán đã bày la liệt bàn ghế ra sân để phục vụ khách hàng, lấn chiếm khu vực vỉa hè vốn là nơi để xe của người tới thưởng thức nghệ thuật dân tộc cũng như của người đi bộ.
Nhà hát nói gì?
Để minh bạch thông tin, PV đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo nhà hát. Ông Nguyễn Trường Lâm – Chánh văn phòng Nhà hát chèo Việt Nam cho biết, việc quán Xưởng Café hoạt động trong khuôn viên của nhà hát đã xảy ra từ nhiều tháng qua. Việc nhà hát cho thuê mặt bằng, khuôn viên đã có văn bản xin ý kiến của cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và đã được phê duyệt.
“Việc cho thuê khuôn viên như vậy sẽ giúp nhà hát tăng thêm nguồn thu để duy trình hoạt động biểu diễn cũng như giữ gìn nghệ thuật hát chèo truyền thống. Việc cho Xưởng café hoạt động cũng đã có sự thống nhất của Ban chấp hành Đảng ủy, báo cáo Ban lãnh đạo, giám đốc nhà hát để phê duyệt”, ông Lâm thông tin.
Ngoài ra, ông Tắc Bình – Chủ tịch Công đoàn Nhà hát chèo Việt Nam còn cho biết do nguồn thu của nhà hát còn thấp nên phải cho thuê thêm khuôn viên với mục đích tăng nguồn thu, “lấy ngắn nuôi dài”. “Vì chúng ta đều biết nghệ thuật dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, anh em ca sỹ có thu nhập rất thấp. Mỗi buổi biểu diễn khán giả tới rất ít, thậm chí là không có khán giả nên nhà hát thường xuyên rơi vào tình trạng lỗ vốn”.
“Theo quan điểm của tôi thì việc mở quán café trong nhà hát là không sai, chung quy lại cũng chỉ để phục vụ người dân tới xem hát chèo. Tôi đã đi học nhiều năm ở nước ngoài, thấy họ áp dụng mô hình như vậy là rất thành công nên tôi cho rằng là hợp lý”, ông Bình trả lời phóng viên.
Khi PV đề cập tới việc một tháng nhà hát thu lại bao nhiêu tiền khi cho Xưởng Café hoạt động trong khuôn viên của nhà hát và số tiền đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì thì ông Lâm cho rằng ông không biết cụ thể số tiền đó là bao nhiêu nhưng chắc chắn sẽ được gửi về bộ phận tài vụ của Nhà hát chèo Việt Nam để phân bổ, sử dụng vào việc chung của nhà hát (?!).
Ngoài ra, khi PV yêu cầu ông Lâm cung cấp văn bản của cơ quan chủ quản là Bộ văn hóa thể thao và du lịch về việc chấp thuận cho Nhà hát chèo Việt Nam mở quán Café thì ông Lâm nói: “Bộ không có văn bản trả lời, chỉ biết chúng tôi đã có văn bản gửi lên”. Tuy nhiên, khi PV tiếp tục yêu cầu ông Lâm cung cấp văn bản gửi lên cơ quan chủ quản thì viên cán bộ này lại tiếp tục không thể cung cấp và kèm theo lý do: “Việc tìm lại hồ sơ lưu là rất khó nên chúng tôi sẽ tìm và gửi lại cho anh (PV) sau” (?!).
Như vậy, có hay không việc Nhà hát chèo Việt Nam đang “vượt mặt” cơ quan chủ quản, tự ý “cắt xén” đất để cho thuê hàng quán trái phép? Và nguồn thu từ việc cho thuê hàng quán đó là bao nhiêu tiền? Sử dụng vào mục đích chung của nhà hát hay rơi vào túi ai?
Ngô Chức