Theo nội dung chỉ thị trên, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã… trên địa bàn thành phố triển khai xây dựng kế hoạch năm 2021 trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự báo tình hình trong nước, khu vực và thế giới trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Từ đó, địa phương xác định mục tiêu kế hoạch phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của cả nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của cả nước và thành phố; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của thành phố là trên 7,5%.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Về các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nghiên cứu, hình thành khung pháp lý cho sự phát triển phù hợp với tình hình mới, như: Thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế mới ứng dụng công nghệ số...

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, khơi dậy nội lực; phát triển kinh tế tập thể, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong hợp tác xã để hợp tác xã thực sự là thành phần quan trọng của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh.

Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Cũng theo nội dung chỉ thị, trong năm tới, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, nông thôn...; phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, hướng tới mô hình đô thị xanh, thông minh và bền vững; tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, tiếp tục xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, am hiểu pháp luật, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng, phát huy giá trị văn hóa người Hà Nội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phát triển công nghiệp y tế, đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; thực hiện các quyền của trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, phát triển thể dục, thể thao.

Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển, nâng cao chất lượng báo chí, truyền thông… Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, kiên quyết loại bỏ những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực nội đô; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Triển khai hiệu quả đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Tiếp tục cải cách hành chính tư pháp; tăng cường kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp, thi hành án; cải cách thủ tục hành chính. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về trật tự, an toàn xã hội; từng bước đẩy lùi, làm giảm các điều kiện nảy sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, các sở, ban, ngành và các địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Hoan Nguyễn