Một số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP
Một số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP

Theo đó, quận Bắc Từ Liêm có 10 sản phẩm, huyện Hoài Đức có 10 sản phẩm, huyện Đan Phượng có 23 sản phẩm và huyện Ứng Hoà có 02 sản phẩm. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP chủ yếu thuộc các nhóm ngành: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ và sinh vật cảnh. Tiêu biểu như: các sản phẩm điêu khắc đá quý của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thành (xã Thọ An, huyện Đan Phượng); hoa đồng tiền của Hợp tác xã Hoa Đồng Tháp (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng); các sản phẩm bánh mứt truyền thống thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; sản phẩm bún, miến, mộc nhĩ thuộc xã Di Trạch, huyện Hoài Đức…

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội tổ chức triển khai chấm điểm, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP theo các cấp: cấp quận, huyện đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP 3 sao; đối với các sản phẩm OCOP đủ tiêu chuẩn 4 sao sẽ trình hồ sơ lên cấp Thành phố và 5 sao trình lên cấp Trung ương đánh giá.

Trước đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội. Qua ba năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP huyện Gia Lâm đã có 89 sản phẩm của 18 chủ thể được công nhận, trong đó, có 05 sản phẩm đạt 5 sao, 68 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm đạt 3 sao. Trên địa bàn huyện đã hình thành 02 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Dương Xá và xã Bát Tràng.

Thời gian tới, các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền để các chủ thể phát huy thế mạnh sản phẩm đã được chứng nhận, hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục đăng ký nâng cao chất lượng; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã đạt sao OCOP để tạo đầu ra ổn định và tiếp tục phấn đấu xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên.

Thái Bình (T/h)