THCL Lực lượng chức năng đã phát hiện một lượng hàng lớn bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và bánh kẹo,phần lớntrên nhãn mác bao bì đềughi chữ Hàn Quốc.
Kho hàng của TNHH Đầu tư và Thương mại Thành Hoa
Ngày 2/12/2015, Tổ công tác đặc biệt ĐB 113 phối hợp với Đội 4 - Đội QLTT Hà Nội cùng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiến hành kiểm tra hành chính tại kho hàng có địa chỉ số 6B, Nhà máy Xây lắp Gia Lâm, 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội).
Theo điều tra ban đầu thì toàn bộ số hàng hóa trên thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thành Hoa. Tại thời điểm kiểm tra, DN này chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ đầy đủ về số hàng hóa trên. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm một số sai phạm như DNchưa dán nhãn phụ cho sản phẩm, chưa đăng ký địa điểm trong giấy phép kinh doanh. Điều này đã vi phạm Thông tư liên tịch số 64 giữa Bộ Tài chính, bộ Công thương, bộ Công an và bộ Quốc phòng.
Đại diện Tổ công tác đặc biệt ĐB 113 cho biết: “Thông qua công tác trinh sát, chúng tôi đã phát hiện một số DN trên địa bàn TP. Hà Nội có dấu hiệu vận chuyển, mua bán hàng thực phẩm gồm bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ nước ngoài tiêu thụ tại Việt Nam với số lượng lớn.Từ những thông tin đó, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năngtiến hành kiểm tra và phát hiện một số lượng lớn hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thành Hoa không có nguồn gốc rõ ràng”.
Phần lớn các sản phẩm bị thu giữ đều có nhãn mác ghi bằng chữ Hàn Quốc
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định:“Trong quá trình kiểm tra, bước đầu chúng tôi phát hiện một khối lượng lớn hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người như thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Tất cả các sản phẩm này không có nhãn mác bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật. Các lực lượng chức năngtiến hành điều tra làm rõ xem số hàng hóa này có sai phạm về hàng lậu hay gian lận thương mại hay không, nếu sai phạm, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Cũng theo ông Phong, số lượng hàng hóa tại kho này tương đối lớn so với các vụ phát hiện và xử lý trước đó. Vì vậy, người dân không nên mua hàng hóa không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Riêng với những thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, ngoài nhãn mác bằng tiếng nước ngoài thì đều phải ghi rõ bằng tiếng việt như tên sản phẩm là gì, đơn vị đứng ra nhập sản phẩm này địa chỉ ở đâu, sản phẩm đó được công bố tiêu chuẩn hay chưa… Nếu trong quá trình kiểm tra mà phía DN hay đối tượng không xuất trình được toàn bộ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa thì chắc chắn sẽ phải tiêu hủy.
Ngọc Linh (Thương hiệu & Công luận)