Theo đó, lực lượng chức năng TP. Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị tại các tỉnh biên giới để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trên thị trường Hà Nội, vẫn còn diễn ra các hiện tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như: Hàng lậu, hàng cấm vẫn được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới, cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài vào tiêu thụ trong nội địa và Hà Nội với sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển... để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
(Ảnh minh họa)
Hàng lậu được hợp thức hoá theo hình thức quay vòng chứng từ hoá đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; nhiều chủng loại mặt hàng có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ vận chuyển, cất giấu (như: điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá điếu và rượu ngoại); các đối tượng thường chia nhỏ, vận chuyển thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra kiểm soát.
Các đối tượng buôn lậu thay đổi phương thức vận chuyển: thay vì tập kết trên xe tải có trọng tải lớn như vài năm trước, nay xé lẻ hàng hóa và vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe tải có trọng lượng nhẹ từ biên giới hoặc từ các tỉnh giáp ranh với Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...vào sâu nội địa.
Hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi khiến lực lượng chức năng luôn đau đầu, chính vì vậy Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội luôn tuân thủ các kế hoạch, văn bản của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia như Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Luật Quản lý ngoại thương để có thể hoàn thành tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trang Nguyễn