Tăng mức phí hình phạt
Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn ra ngày một phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NTD. Để xử lý những hành vi vi phạm một cách triệt để, quyết liệt hơn, Bộ Công thương đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực này.
Cụ thể, Bộ Công thương đề nghị một số quy định tại NĐ số 185/2013/NĐ-CP phải được sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe, phòng ngừa và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tăng tính khả thi và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại trên thị trường.
Dự kiến, sửa đổi toàn bộ nội dung Điều 10 quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm để bảo đảm tương thích với Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nội dung Điều 10, gồm quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển đối với các mặt hàng cấm cụ thể là thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; thuốc lá điếu nhập lậu; pháo nổ và các hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu quy định tại Điều 25 NĐ số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 124/2015/NĐ-CP được đưa về quy định tại Điều 10 và được bãi bỏ tại khoản 30 Điều 1 dự thảo nghị định. Theo đó, mức phạt tiền cũng được điều chỉnh giảm để bảo đảm mặt bằng chung trong chính sách xử lý đối với các mặt hàng cấm khác quy định tại điều này.
Sửa đổi Điều 21 quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và có vi phạm khác: Điều chỉnh tăng 1,5 lần mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm; bỏ điểm d khoản 1 quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, bổ sung quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, hoặc buộc thu hồi tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, phạt tiền từ 90.000.000 - 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 50 kg trở lên, hoặc từ 50 lít trở lên; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên; buôn bán pháo nổ từ 6 kg trở lên; buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên; buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam, trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.
Quản lý thị trường nội địa
Tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn luôn là điểm “nóng” hiện nay, từ nhiều mặt hàng trên thị trường (mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vất, hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm chức năng, phân bón…).
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp NSNN hơn 20.123 tỷ đồng, khởi tố 1.979 vụ, 2.339 đối tượng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng: “Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, giao dịch thương mại ngày càng tăng dẫn đến gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Phương pháp, thủ đoạn buôn lậu là quay vòng chứng từ hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp. Đặc biệt, năm qua, đã xuất hiện tình trạng buôn lậu qua đường hàng không hình thức hàng xách tay, ký gửi. Các đối tượng buôn lậu nội địa ngày càng tinh vi, thay đổi cung đường, tuyến đường để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phổ biến đó là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ...
Chính vì thế, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã thường xuyên chỉ đạo công tác thanh kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, không để diễn ra tình trạng tiếp tay, bao che, bảo kê cho đối tượng về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trang Nguyễn