Thời trang Eva Lover: Có “cắt mác” - phù phép thương hiệu? - Hình 1

Cơ sở Eva Lover địa chỉ 48 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

Sản phẩm bị cắt mác

Mới đây, chị T.N (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh tới báo Thương hiệu và Công luận: “Trước Tết, tôi có đến cửa hàng Eva Lover tại địa chỉ số 123D Trung Kính - Hà Nội (đơn vị chủ quản là Công ty TNHH thời trang Long Nhi, trụ sở chính 48 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), mua quần áo.

Tuy nhiên, sau khi mua về, tôi phát hiện ra trên cổ áo khoác dài có dấu hiệu bị tháo bỏ mác và thay thế mác mới vào. Tiếp tục lật tìm thân áo, tôi càng bất ngờ hơn, tại vị trí mác cũng có dấu hiệu trên. Nhưng quần áo đã mặc rồi nên tôi chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, biết để tránh cửa hàng đó và rút ra được kinh nghiệm mua hàng cho bản thân”.

Tiếp nhận phản ánh, nhóm PV đã vào cuộc tìm hiểu và được “mục sở thị” nhiều cửa hàng trong chuỗi cơ sở của Eva Lover. Tại cửa hàng thời trang Eva Lover, có nhiều loại sản phẩm phong phú như váy, chân váy, áo khoác da, áo khác ngắn, áo sơ mi, quần tây…, món nào cũng có nhiều mức giá khác nhau; rẻ thì vài trăm nghìn đồng, đắt thì tiền triệu.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm thời trang, theo quan sát của PV tại 3 cơ sở thuộc Eva Lover, trên nhiều sản phẩm, từ áo khoác dài, áo khoác phao có những dấu hiệu bị cắt mác cũ và thay thế mác của thương hiệu Eva Lover.

Khi PV đưa một sản phẩm của cửa hàng và hỏi về hiện tượng có vết nhãn mác cũ bị bóc ra và được thay thế bởi mác mới, thì được một nhân viên tên Nguyên (tại cơ sở 48 Tây Sơn) thừa nhận rằng, bên cửa hàng nhập về rồi bỏ mác và gắn mác của thương hiệu cửa hàng.

“Bọn em ở đây là tự đi nhập rồi chia cho các chi nhánh. Sản phẩm của bọn em, gần như tất cả hàng phao dài là nhập từ Quảng Châu về, cả hàng len cũng vậy, chỉ có loại phao ngắn mác Nhật thì bọn em tự sản xuất”, nhân viên tên Nguyên nói.

Thời trang Eva Lover: Có “cắt mác” - phù phép thương hiệu? - Hình 2

Thời trang Eva Lover: Có “cắt mác” - phù phép thương hiệu? - Hình 3

Nhiều sản phẩm của hệ thống thời trang Eva Lover có dấu hiệu cắt mác cũ - phù phép thương hiệu!?

Đại diện DN nói gì?

Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV, bà Mai Thị Dung (quản lý cơ sở 48 Tây Sơn) và ông Nguyễn Văn Học (quản lý chuỗi cửa hàng thời trang Eva Lover) cùng khẳng định: “Không có hiện tượng cắt mác cũ, thay thế mác mới vào sản phẩm”.

Tuy nhiên, khi PV đưa ra bằng chứng của việc có dấu hiệu bị cắt mác cũ và thay mác mới mang thương hiệu Eva Lover đối với các sản phẩm áo khoác, áo khoác phao dài, bà Dung vội phân bua: “Trường hợp cắt mác cũ và thay thế nhãn mác của mình (thương hiệu Eva Lover) là do khi khách hàng đặt gia công nhưng không lấy hết hay không lấy hoặc hủy đơn, thì bên xưởng sản xuất sẽ bỏ mác cũ đi và thay mác của Eva Lover vào sản phẩm. Trường hợp thứ hai là nhập lại sản phẩm thanh lý của một cơ sở sản xuất nào đó, sau đó tháo mác cũ và gắn lại mác mới”.

Thời trang Eva Lover: Có “cắt mác” - phù phép thương hiệu? - Hình 4

Cũng tại buổi làm việc, mặc dù bà Dung và ông Học có thừa nhận, sản phẩm của hãng có lấy mẫu từ Trung Quốc, sau đó tự gia công tại xưởng của hãng với 10 nhân công, nhưng điều khiến PV thắc mắc là “tại sao trên các sản phẩm của Eva Lover lại ghi dòng chữ “Design by Japan?”. Lý giải cho việc này, đại diện thương hiệu Eva Lover cho rằng: Không thể để “Design by China” được, vì nhiều người không thích hàng Trung Quốc (!?).

“Design by Japan là do lấy theo mẫu của Nhật, đấy là theo phong cách của Nhật chứ không phải nhập của Nhật… Trong kinh doanh dùng tên cho tây tây cho nó sang, mình cứ phải ăn theo thằng nào nổi tiếng, theo phong cách. Cửa hàng thời trang để Việt hóa rất là khó”, đại diện thương hiệu Eva Lover khẳng định.

Ở một khía cạnh khách, theo thông tin từ bà Dung: “Quản lý thị trường, công an kinh tế đã đến bên em rất là nhiều rồi, đội 14 rồi đội 4. Vì em đã kinh doanh ở mặt phố 4 năm rồi, nếu như bọn em sai phạm nhiều thì chắc chắn bọn em sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay”.

Với những gì nhóm PV ghi nhận được và đại diện chuỗi thương thiệu Eva Lover cũng thừa nhận có hành vi cắt mác cũ, thay mác khác của thương hiệu Eva Lover vào những sản phẩm. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng (công an kinh tế, các đội quản lý thị trường 4, 14 - theo lời bà Dung) đã kiểm tra nhiều lần, nhưng không phát hiện được lỗi sơ đẳng, mà nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận biết có dấu hiệu cắt nhãn mác cũ và thay thế nhãn mác của thương hiệu vào sản phẩm.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao trong nhiều năm qua, lực lượng chức năng không phát hiện được hành vi trên của nhãn hàng Eva Lover? Cơ quan chức năng quản lý các mặt hàng này như thế nào?...

Linh Tuệ - Trang Nguyễn