Vụ khăn lụa Khaisilk: Truy trách nhiệm! - Hình 1

 Cửa hàng giới thiệu khăn lụa Khaisilk

Liệu có việc bảo kê?

Ông Nguyễn Anh Sơn (nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho rằng, đây là việc làm không thể chấp nhận đối với một thương hiệu đã từng là niềm tự hào của người Việt Nam.

Qua vụ việc này nhận thấy, các cơ quan chức năng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình; buông lỏng quản lý, không kiểm tra thường xuyên, để DN làm ăn gian dối – Cơ quan thuế, QLTT… đang ở đâu, chỉ đến khi vụ việc được NTD phát giác thì họ mới lên tiếng, vào cuộc kiểm tra tình hình nộp thuế của DN. Như vậy là làm chưa “đến nơi đến chốn”, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý những thương hiệu.

“Liệu có sự chống lưng, bảo kê” nào của một số cán bộ thực thi, đã làm ngơ, tiếp tay cho sai phạm, để quyền lợi NTD bị coi nhẹ trong suốt thời gian dài vừa qua? ông Sơn nói!

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, rõ ràng khâu quản lý hàng hóa của cơ quan chức năng có vấn đề. Chúng ta có các đội QLTT ở khắp mọi nơi, nhưng tại sao hàng giả, hàng nhái vẫn cứ tồn tại và ngang nhiên hoạt động được?

Cơ quan quản lý phải luôn kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng cũng như các yêu cầu về mặt hàng, kể cả những thương hiệu lớn.

Lực lượng QLTT cần nâng cao tinh thần trách nhiệm; cần thiết phải xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay, bảo kê cho sai phạm (nếu có), cùng với đó là nâng cao chế tài xử lý đủ sức răn đe, nghiêm khắc. Có như vậy thì tình trạng sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, vi phạm SHTT mới được đẩy lùi, quyền lợi NTD mới được bảo đảm.

Theo ông Vũ Minh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nếu như NTD không phát hiện việc giả mạo trên của Khaisilk, thì có lẽ đến bây giờ người ta vẫn tin yêu thương hiệu lụa này.

Câu chuyện của Khaisilk đã buộc các DN phải tự nhìn lại mình trong việc xây dựng, giữ gìn thương hiệu cũng như đạo đức kinh doanh.

Qua đó cho thấy, lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm soát thị trường của các lực lượng chức năng, cho dù bất luận nguyên nhân xuất phát từ đâu thì việc này cũng cần truy trách nhiệm đối với cơ quan quản lý, thực thi nhiệm vụ.

Không thể biện minh rằng, do lực lượng QLTT mỏng, yếu và thiếu, trong khi cửa hàng kinh doanh số 113 Hàng Gai này nằm ngay giữa trung tâm thủ đô - chỉ cách trụ sở Cục QLTT chưa đầy 1 km?

Yêu cầu kiểm tra, làm rõ

Liên quan đến vụ việc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 389/QG vừa giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Công an, KH&CN và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/12/2017.
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí có đăng bài phản ánh nhiều sản phẩm lụa tơ tằm của Tập đoàn Khaisilk bày bán trên thị trường có dấu hiệu là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi NTD.

Bộ TT&TT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN, các cơ quan thông tấn, báo chí, các hiệp hội ngành, nghề đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, về những nguy hại của hành vi gian lận xuất xứ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhất là tại các DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm, các làng nghề truyền thống; kịp thời lên án, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ uy tín quốc gia, quyền lợi NTD.

Trước đó, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan, nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ việc trên.

Qua đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục QLTT chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng CSKT (Công an Hà Nội) đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh tại số 113 Hàng Gai (Hà Nội) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp đoàn kiểm tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh Công ty này tại địa chỉ số 113 Hàng Gai…

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: “Những hoạt động của DN ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa DN.

Qua hành vi của Tập đoàn Khaisilk cho thấy, DN này có dấu hiệu vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức DN.

Hành vi lừa dối NTD, sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của NTD; gây tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn là đã làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Nguyễn Kiên