Buôn lậu trên thương mại điện tử gia tăng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng Thành phố đã tiến hành thanh, kiểm tra 10.556 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng số thu nộp ngân sách là 1.145 tỷ 642 triệu đồng, trong đó phạt hành chính trên 382 tỷ đồng, truy thu thuế 762,451 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá tại hội nghị, trong nửa đầu năm, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Đáng chú ý, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (các website, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...) các đối tượng rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Thậm chí, nhiều đối tượng thông qua các công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm dưới hình thức hàng tặng, hàng biếu gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, bắt giữ.
Bên cạnh đó, hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan thuế, hải quan và các lực lượng chức năng khác dẫn đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vụ việc chưa cao.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – đánh giá, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng. Các đối tượng thường xuyên dùng các mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… để bán hàng lậu như: Kit test nhanh Covid-19, thuốc điều trị Covid-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Công an thành phố đã phát hiện 60 nhóm kín, gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.
Việc sử dụng mạng xã hội để buôn bán hàng lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng, do vậy ông Nguyễn Thanh Tùng đề xuất Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường kiểm soát chặt từ cửa khẩu biên giới, các ga hàng không, đường sắt… đồng thời kiến nghị bổ sung chế độ hàng hóa có nguồn gốc chứng từ ngay từ khi nhập khẩu, không chấp nhận việc ghi giá thấp hơn thực tế để đối phó với lực lượng thực thi công vụ. Đối với việc kinh doanh kho tàng, bến bãi cần tăng cường trong việc cấp phép, có chế tài khi phát hiện tại kho có hàng vi phạm.
Đồng quan điểm về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội – đánh giá, hiện nay, việc kiểm soát kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... đang là vấn đề khó khăn đối với lực lượng chức năng do các đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, chốt đơn và kho hàng đặt tại các khu vực khác nhau. Không chỉ kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều đối tượng từ nước ngoài đưa hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam để quảng bá và chào hàng trên các trang mạng xã hội. Có nhiều thông tin sau sự thật về công dụng của hàng hóa, nhất là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; các sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19… điều này ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Tăng cường kiểm soát địa bàn, chủ động đối phó hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2022 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, trong các dịp lễ, tết. Đây là khoảng thời gian các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả lợi dụng để vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, sản xuất hàng giả.
Để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường, chủ động đối phó có hiệu quả với hàng giả, hàng lậu qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng TP Hà Nội kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, tết… Trong đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng xã hội” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả. Riêng các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, hải quan…. cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mai Anh