Theo đó, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội thường xuyên bám sát và kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các sở, ngành, các lực lượng chức năng đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ quy định của pháp luật.
Gắn với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật.
Trong tháng, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia như: Nghị Quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch 399/KH-BCĐ389, ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời, lực lượng chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 23/7/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19; Kế hoạch số 181/KH-UBND, ngày 7/8/2021 của UBND Thành phố về bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 8843/VP-KT, ngày 19/8/2021 của UBND Thành phố về thực hiện nhiệm vụ công khai thông tin giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 23/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được các cấp, các ngành và lực lượng chức năng quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều hình thức như: Tiếp tục vận động thương nhân ký cam kết và giám sát việc thực hiện cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa; các sở, ngành thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài để đưa tin, viết bài về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết quả, trong tháng, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 2.184 vụ; xử lý hành chính 2.065 vụ. Khởi tố 4 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 136 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 69 vụ; gian lận thương mại 1.860 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 284,439 tỷ đồng.
Xử lý nhiều vi phạm về hàng lậu, hàng giả
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Hà Nội: Tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường bảo đảm công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; ngăn ngừa hành vi lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dự trữ tăng cao của người dân để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý đầu cơ, găm hàng, bán giá cao hơn giá niêm yết, đồng thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hàng hóa liên quan đến phòng chống dịch, trà trộn bán hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm thu lợi bất chính.
Đơn vị thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, kịp thời tham mưu các văn bản chỉ đạo trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thu thập thông tin, các hiện tượng nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm để xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong tháng, Cục kiểm tra 166 vụ, xử lý 245 vụ (trong đó xử lý 79 vụ tồn). Phạt hành chính 3,206 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 8,910 tỷ đồng.
Công an thành phố: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật đối với đối tượng, ổ nhóm lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; lập danh sách những đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong tháng, đơn vị kiểm tra 78 vụ, xử lý 82 vụ (trong đó có 4 vụ tồn), phạt hành chính 1,197 tỷ đồng; truy thu thuế 23,682 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 9,763 tỷ đồng. Khởi tố hình sự đối với 4 đối tượng.
Cục Hải quan: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, chuyển phát nhanh và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; triển khai đồng thời các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đơn vị chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng (quản lý thị trường, công an…) để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu, thúc đẩy sản xuất trong nước. Đặc biệt, Cục tổ chức đấu tranh quyết liệt với hành vi vi phạm hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt các mặt hàng trọng điểm như: Vũ khí, ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo các loại, động vật hoang dã, linh kiện và phụ kiện điện tử, thực phẩm chức năng, thuốc lá.
Trong tháng, Cục Hải quan phát hiện, bắt giữ 45 vụ; xử lý 45 vụ vi phạm về khai hải quan; quản lý nguyên liệu đối với hàng hóa gia công và các vi phạm khác liên quan đến mã số, trị giá tính thuế... Thu nộp ngân sách Nhà nước 464 triệu đồng; trong đó phạt hành chính 237 triệu đồng; truy thu thuế 227 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 19,305 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, hàng giả, buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh không để phát sinh điểm nóng, gây bức xúc dư luận.
Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và công chức quản lý địa bàn. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn quản lý nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.
Tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị. Vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm…
Nguyễn Kiên