Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, Trần Việt Hùng:
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, GLTM và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, nhiều vụ việc vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá vẫn diễn ra, nhất là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã được lực lượng chức năng công an, hải quan, QLTT phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.
Tình trạng kinh doanh vận chuyển hàng nhập lậu trong thị trường nội địa vẫn diễn biến rất phức tạp.
Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, cất giữ bằng nhiều thủ đoạn như thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hoá nên việc triển khai kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Trong những tháng đầu năm, các đối tượng kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử đặc biệt là mạng xã hội, đồng thời lợi dụng vận chuyển bằng hình thức chuyển phát bưu điện nhằm trốn tránh sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn còn xảy ra. Hàng giả tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.
Điển hình là Công an Thành phố đã khởi tố vụ án buôn bán khoảng 2 tấn thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam; Cục QLTT thành phố phối hợp với Công an Hà Nội khám phá vụ án buôn bán gần 40.000 sản phẩm phụ kiện cửa giả nhãn hiệu KIN LONG được bảo hộ tại Việt Nam.
Trong khi đó, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng hóa như bánh, kẹo, nước giải khát thực phẩm, gia súc, gia cầm... không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn một số đối tượng do thiếu hiểu biết hoặc chưa chú trọng việc bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm nên vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh như thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt những kết quả tích cực.
Trong đó, Cục QLTT Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền ký kết với 6 Đài truyền hình, 7 cơ quan báo chí (trong đó có Tạp chí Thương hiệu và Công luận) để sản xuất 128 tin và 68 bài đăng trên các báo nhằm thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm ATTP và gian lận thương mại của các lực lượng chức năng thành phố.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã tổ chức thanh kiểm tra 15.647 vụ; xử lý hành chính 13.369 vụ (tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, hàng cấm, hàng lậu 2.205 vụ, hàng giả, vi phạm SHTT 717 vụ, gian lận thương mại 10.447 vụ. Khởi tố 60 vụ, với 92 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu 1.550,309 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Trần Việt Hùng nhấn mạnh:
Kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện các kế hoạch của Cục QLTT thành phố ban hành: Kế hoạch số 07/KH-QLTTHN, ngày 31/3/2021 triển khai thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; Kế hoạch số 06/KH-QLTTHN, ngày 31/3/2021 triển khai thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội; các văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, ngăn chặn sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Đơn vị chủ trì 1 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2021.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố, đơn vị đã tham mưu Ban chỉ đạo 389 Thành phố xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở, ngành thành viên trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Kết quả, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 2.744 vụ; xử lý: 2.744 vụ. Phạt hành chính 26,872 tỷ đồng. Trị giá tiền bán hàng, hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy và chuyển đổi mục đích sử dụng 63,222 tỷ đồng.
Công an thành phố: Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 96/KH-CAHN-PC03, ngày 5/3/2021 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021; văn bản số 2696/CAHN-PC03, ngày 13/4/2021 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Đơn vị chỉ đạo các phòng nghiệp vụ; công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.
Kết quả, đơn vị phát hiện 1.903 vụ, xử lý 1.848 vụ, phạt hành chính 12,413 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế 342,892 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 38,091 tỷ đồng. Khởi tố 60 vụ đối với 92 đối tượng.
Cục Hải quan Hà Nội: Ban hành và triển khai Kế hoạch số 17/KH-HQHN, ngày 26/2/2021 về việc thực hiện công tác kiểm soát Hải quan năm 2021; văn bản số 917/HQHN-CBL, ngày 2/4/2021 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Công văn số 1453/HQHN-CBL, ngày 19/5/2021 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà do nước ngoài sản xuất; Kế hoạch số 1676/KH-HQHN, ngày 9/6/2021 về Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021 trên địa bàn Hà Nội.
Cục chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan tại các địa bàn trọng điểm như Chi cục Hải quan: Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chuyển phát nhanh, Hải quan đường sắt Yên Viên và các cảng nội địa ICD.
Cục chú trọng các mặt hàng cấm (ma túy, động vật hoang dã, vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, thiết bị điện tử đã qua sử dụng…); hàng tiêu dùng (rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…). Tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt, sữa.
Kết quả, Cục Hải quan thành phố phát hiện, bắt giữ và xử lý 595 vụ, phạt hành chính 9,073 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế 899 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 78,094 tỷ đồng.
Nguyễn Kiên