Liên quan đến phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt của UBND TP. Hà Nội, ngày 29/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo này. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đều chung quan điểm cho rằng, việc UBND TP. Hà Nội dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt từ 1/7/2023, chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân.

PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Trong khi theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nêu ý kiến, tăng giá, nhưng phải cam kết triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân.

Điều chỉnh giá, nhưng phải cung ứng nước sạch liên tục, đủ nhu cầu. Chất lượng nước phải đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và quy trình tính tiền nước.

Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1/7, chất lượng nước sẽ thế nào?
Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1/7, chất lượng nước sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, quan tâm đến việc thành phố chưa có báo cáo đánh giá tác động của việc tăng giá nước sạch và băn khoăn việc giá bán lẻ chênh 3 lần so với giá bán buôn.

Ông cho rằng, Hà Nội cần căn cứ giá thành của từng đơn vị sản xuất, rồi từ đó tính giá phân phối. 

Ông Dĩnh nêu quan điểm "tăng giá nước sạch là chủ trương đúng và phù hợp" - nhưng cần tính toán xem nên tăng bao nhiêu. 

"Đừng nghĩ, tăng lên ít thì không ảnh hưởng. Ví dụ, một hộ gia đình có thể tiêu thụ tiền nước 300.000 - 400.000 đồng/tháng, nhưng với cơ quan xí nghiệp, thì khoản tăng lên rất lớn, có thể tác động đến sản xuất, kinh doanh. Trong khi nước cũng là mặt hàng nhạy cảm, chỉ sau xăng dầu nên cần tính toán", ông Dĩnh nói. 

Đại diện cơ quan cung cấp nước sạch, ông Trần Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội cho rằng, phương án tăng giá nước đã tính đến yếu tố đảm bảo cho việc cung ứng sản xuất nước sạch và hài hòa cho người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, các mức giá đã được phân loại cho từng đối tượng và có mức giá ưu tiên cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, cận nghèo. Theo thống kê, tại Hà Nội, số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt dưới 10 m3/tháng chiếm 31%; dùng 10 - 20 m3 chiếm 59%; dùng từ 20 m3 và 30 m3 trở lên đều chiếm 5%. 

Ông Hùng cũng nhìn nhận, dự thảo quy định giá bán lẻ đồng nhất trên toàn thành phố, không phân biệt ngoại thành và nội thành là hợp lý. Bởi lẽ, mức giá còn phụ thuộc vào sự điều tiết để đảm bảo chi phí phân phối, mật độ dân cư, suất đầu tư cho các khu vực, nhất là với các vùng hiện khó khăn về cơ sở. 

Theo Theo UBND TP. Hà Nội, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất, kinh doanh nước sạch.

Các hộ dân ở vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và đảm bảo mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khoẻ người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị, trong 1 tháng, chiếm 0,72%. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ dân khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng.

Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới, cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Thiên Trường