Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, thị trường hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
“Ước tính dự trữ hàng hóa tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu. Nhu cầu mua sắm Tết cũng ước tính sẽ tăng khoảng 4-7%", đại diện tổ điều hành cho biết.
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Tại TP. HCM, theo đại diện Sở Công Thương, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa cho 2 tháng Tết. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, nhu cầu hoạt động chuỗi cung ứng hàng hóa cho TP lớn, dịp Tết tăng 15 - 30%. Nguồn hàng được đưa về TP. HCM qua nhiều kênh, trong đó có 2 nhóm chính: Trung tâm siêu thị chiếm 25 - 30%, kênh còn lại qua các vựa, chợ đầu mối chiếm 70% với khoảng 7.200 tấn lương thực thực phẩm mỗi đêm. TP. HCM đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng. Theo đó, đã có hơn 30.000 tấn hàng hóa được chuẩn bị cho người dân dịp Tết.
Trong khi đó, tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thành phố đã chuẩn bị 290.100 tấn gạo; 57.900 tấn thịt lợn, 19.200 tấn thịt gà, 387 triệu quả trứng gia cầm; 322.500 tấn rau củ; 156.000 tấn trái cây... phục vụ 03 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Về giá hàng Tết, tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm trước.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, giá cả lương thực, thực phẩm hiện nay ở TP. HCM tăng 2 - 4% nhưng với mức tăng này, TP. HCM chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn.
Thiên Trường (T/h)