Hà Nội: Triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, thủy sản - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo đó, Sở yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn các phòng ban chuyên môn thuộc huyện tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; Thành lập tổ công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện của UBND các xã phường, thị trấn và chỉ đạo UBND các xã kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét của các cơ sở, các trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.

Đặc biệt, chú trọng những nơi có nguy cơ cao và đã để xảy ra vật nuôi bị ảnh hưởng do đói, rét. Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản.

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi. Chỉ đạo Phòng kinh tế huyện và cơ quan chuyên môn hướng dẫn và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, thủy sản.

Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Trung tâm giống Thủy sản Hà Nội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, thủy sản.

Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn các huyện, thị xã, UBND các xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi thực hiện mô hình áp dụng các biện pháp chống rét cho vật nuôi, thủy sản. Cử cán bộ theo dõi địa bàn đánh giá kết quả thực hiện công tác chống rét của đơn vị về Sở NN&PTNT sau mỗi đợt rét.

Diệp Bắc