Hà Nội xem xét, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 1 nghị quyết thường kỳ, 3 báo cáo và 12 nghị quyết chuyên đề, công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố. Các báo cáo và nghị quyết xem xét tại kỳ họp lần này có liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
Theo đó, Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn (2017 - 2021), tầm nhìn đến năm 2030; quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (năm học 2017 - 2018); định mức, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh; một số nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…
Thường trực HĐND Thành phố sẽ trình HĐND thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn; Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND Thành phố năm 2018. HĐND Thành phố tiếp tục thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với UBND Thành phố và các cơ quan liên quan.
HĐND Thành phố sẽ tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố; tiếp tục chất vấn đối với UBND Thành phố và các cơ quan liên quan, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong năm qua, HĐND Thành phố Hà Nội và HĐND các cấp đã nỗ lực, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động, phát huy vai trò cơ quan chính quyền Nhà nước ở địa phương; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, 8 chương trình công tác lớn của thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của (nhiệm kỳ 2015 - 2020) để cụ thể hóa bằng nghị quyết HĐND với những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ những kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.
Chủ tịch HĐND Thành phố cũng chỉ rõ việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017 của thành phố còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội giảm 8 bậc so với năm 2015 và đang đứng ở vị trí thấp (58/63) trong các địa phương trên cả nước.
Ngoài ra, tình hình cháy, nổ còn tiếp diễn, chứa đựng nhiều rủi ro; một số vụ việc phức tạp ở cơ sở cần tập trung giải quyết… Đặc biệt, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm của thành phố từ 8,5-9%, 6 tháng cuối năm 2017, Hà Nội phải phấn đấu mức tăng trên 9,5%.
Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải hết sức cố gắng và nỗ lực. Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội thảo luận thấu đáo các nhiệm vụ, giải pháp khả thi, với mong muốn thành phố sẽ sớm khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017.
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát lạm phát. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố (cao nhất từ trước tới nay); chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy mạnh; công tác quản lý đô thị được tăng cường, diện mạo Thủ đô ngày một đẹp hơn, khang trang hơn theo hướng đô thị văn minh, hiện đại...
Nguyễn Kiên