Bão số 2 với sức gió cấp 8, giật cấp 9 ập vào Hà Tĩnh tối 16/7, rạng sáng 17/7, đã gây thiệt hại nặng làm 1 nhà dân và 45 ki-ốt bị sập đổ; 31 nhà dân, 4 trường học và 1 trú sở UBND xã bị tốc mái; 8 cột điện bị đổ; 607 ha lúa, 290ha hoa màu bị ngập, úng; nhiều cây cối, cột điện bị đổ ngã.
Đặc biệt, có 4 tàu cá bị sóng đánh chìm trong khu vực tránh, trú bão (3 tàu tại Cảng Sơn Dương - Hà Tĩnh, 1 tàu tại Cảng Hòn La - Quảng Bình).
Bão số 2 gây thiệt hại nặng cho Hà Tĩnh
Ông Đinh Văn Long, Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải tại Xuân Hải (Nghi Xuân) cho biết, tối qua 16/7, có 50 tàu thuyền di trú vào khu vực cảng nhưng cả người và phương tiện đều an toàn. Song, hai bên tuyến đường xuống cảng, cây cối gãy đổ nhiều đã phong tỏa lối đi.
Theo tổng hợp nhanh từ UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến nay, mưa bão đã làm đổ gãy gần 100ha diện tích keo tràm nguyên liệu; hư hại 3ha diện tích dưa hấu tại xã Kỳ Hoa; ngập hơn 100 hồ nuôi tôm của bà con phường Kỳ Trinh.
Nước nhấn chìm nhiều tuyến đường ở các xã ven TP.Hà Tĩnh
Sáng 17/7, một số tuyến đường tại TP.Hà Tĩnh đang ngập nước
Tại huyện Lộc Hà, hiện chưa có thống kê chi tiết nhưng đã có hàng chục quán hàng dọc bãi biển Xuân Hải (xã Thạch Bằng) bị tốc mái; nhiều biển hiệu quảng cáo bị thổi bay. Mái tôn nhiều nhà dân trên địa bàn huyện cũng bị hư hỏng nặng.
Theo báo cáo nhanh của huyện Hương Khê, đến thời điểm này, toàn huyện có 13 xã bị ảnh hưởng, tập trung ở các xã: Phúc Trạch, Gia Phố, Hương Thủy... Xã Phúc Trạch bị thiệt hai nặng nề nhất với 10 ngôi nhà bị tốc mái; 306 ha lúa, 135 ha ngô, 508 ha đậu, 5 ha đậu bị hư hỏng; 1 cổng chào bị đổ gãy, 200 tấm pibro xi măng bị hư hỏng; hội quán thôn bị tốc mái...
Trường học bị tốc mái
Sáng nay, mực nước các sông suối ở Hương Khê đang dâng cao, có nguy cơ ngập lũ ở vùng thấp.
Sáng 17/7, tại huyện Vũ Quang có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa đo được khoảng từ 100 – 150mm. Nhờ chủ động các phương án ứng phó với mưa bão nên đến nay chưa thiệt hại về người, nhà cửa.
Ngổn ngang sau bão số 2
Theo thống kê ban đầu, hiện trên địa bàn có khoảng 5 ha lúa hè thu bị ngập và khoảng 5 ha ngô sinh khối bị đổ ngã, ngập. UBND huyện Vũ Quang đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung bám nắm địa bàn, chủ động ứng phó với nước sông dâng lên và khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Theo ghi nhận của phóng viên, không riêng gì các địa phương ven biển mà ngay tại thành phố Hà Tĩnh, mưa lớn, gió mạnh cũng khiến nhiều cây cối gãy đổ, biển hiệu bị hất rơi.
Lưu Hà-Nguyên Dũng