Di sản lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và truyền đạt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và sự phát triển của các nền văn minh qua thời gian. Tuy nhiên, di tích lịch sử thường gặp phải nhiều thách thức như mòn, hư hỏng, phá hủy và thiếu nguồn lực để duy trì.
Việc tái tạo và phục hồi di sản đòi hỏi nhiều công sức và tài chính. Đó là lý do tại sao công nghệ thực tế ảo (VR) được coi là giải pháp tiềm năng để số hóa di tích lịch sử và bảo tồn các giá trị lịch sử quan trọng.
Giải pháp trải nghiệm thực tế ảo MobiFone VR360 là một công nghệ số mô phỏng thế giới thực trong không gian ảo, giúp người dùng dễ dàng quan sát toàn cảnh, tương tác và cảm nhận những góc nhìn chân thực nhất. Công nghệ này mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và các tổ chức trên toàn quốc, cung cấp phương thức truyền thông mạnh mẽ và truyền tải thông điệp sản phẩm, dịch vụ một cách sống động và hấp dẫn.
Gian hàng triển lãm của MobiFone Hà Tĩnh bao gồm các tính năng: Tham quan địa điểm trong không gian ảo; Giới thiệu thông tin, hiển thị hình ảnh, video sản phẩm, dịch vụ; Giúp nhận diện thương hiệu doanh nghiệp; Trợ lý ảo thông minh, thuyết trình tự động; Tích hợp địa điểm trên Google Map; Tích hợp tính năng live chat messenger, zalo; Gắn thông tin liên hệ: Email, Facebook, Zalo.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 310 năm ngày sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, 280 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự, 240 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ và đón nhận Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm Làng Trường Lưu là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, MobiFone đã tài trợ số hóa 4 điểm di tích tại làng cổ Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc. Các di tích này bao gồm Đình Làng, nhà thờ Nguyễn Huy Tự, bệnh viện Lam Kiều và Nhà Cổ. Trong năm 2024, MobiFone cũng đã phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh triển khai số hóa cho 3 điểm di tích khác: Khu di tích Nguyễn Du, Chùa Hương Tích và Quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông.
Chương trình số hóa di sản là một bước tiến mới trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Số hóa di sản không chỉ có chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn hiện tại mà còn giúp lan tỏa và quảng bá các giá trị di sản nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm và ngôn ngữ.
Khi di tích được số hóa, các thế hệ sau sẽ dễ dàng hơn trong việc tu bổ và phục dựng, đặc biệt là trong trường hợp di tích bị hủy hoại bởi thiên tai hay hỏa hoạn.
Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc số hóa di sản chính là cầu nối để các thế hệ thỏa sức sáng tạo, vừa lưu giữ tốt di sản của cha ông, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.
Công tác bảo tồn và khai thác di tích gắn liền với phát triển du lịch là nền tảng để giữ gìn và phát huy giá trị di tích, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng, di tích để tăng tính hấp dẫn và thu hút khách tham quan.
Lê Đình