Sau nhiều năm ngừng hoạt động, mới đây Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã xin điều chỉnh quy mô và đổi tên công ty nhằm “hồi sinh” đại dự án chăn nuôi bò nghìn tỷ này. Dự án chăn nuôi bò giống bò thịt của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (đóng tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015, với diện tích hơn 2.000 ha. Tổng mức đầu tư là 4.223 tỷ đồng. Quy mô chăn nuôi 254.000 con bò/năm.
Tuy nhiên, thực tế dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm rồi giảm dần theo từng năm. Đến cuối tháng 3/2017 dự án ngừng hẳn do dự án gặp nhiều vướng mắc và tai tiếng. Toàn bộ hệ thống chuồng trại bỏ hoang, hơn 200 ha đất trồng cỏ doanh nghiệp chuyển sang trồng chuối khi chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.
Để thực hiện chủ trương này, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà sẽ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Do Holdings và Công ty Cổ phần Đỗ Lạng Sơn.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh, doanh nghiệp này muốn đổi tên dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh thành “Dự án chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh”. Điều chỉnh quy mô từ 254.200 con bò/năm xuống 35.000 con/năm và trồng cỏ cùng cây nguyên liệu như dứa, chuối, ngô và cây ăn quả, đồng thời đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư còn 1.800 tỷ đồng (giảm 2.782 tỷ đồng so với trước) và giảm quy mô diện tích từ 2.163 ha xuống khoảng 1.227 ha. Mục đích tái cơ cấu của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà là để doanh nghiệp này phát triển quỹ đất và hệ thống cơ sở hạ tầng đã giao, tránh gây lãng phí.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà lý giải lý do xin điều chỉnh dự án là thị trường biến động và giá bò thịt giảm. Đặc biệt, các điều kiện bắt buộc đối với bò Úc ngày càng khắt khe nên việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Dự kiến trong năm nay, đơn vị sẽ nhập bò về nuôi và trồng thêm cây nguyên liệu.
Ông Phan Văn Nhàn - Trưởng phòng Doanh nghiệp và Đầu tư - Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Sau khi Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án nuôi bò giống và bò thịt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở phối hợp với các cơ quan ban ngành xem xét, tham mưu phương án cụ thể với UBND tỉnh về đề xuất của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT, hiện tỉnh chưa có quyết định chính thức cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đổi tên dự án, điều chỉnh quy mô nuôi bò và giảm vốn đầu tư.
Được biết, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển Do Holdings được thành lập bởi ông Đỗ Xuân Diện vào đầu năm 2019. Trong khi CTCP Đỗ Lạng Sơn đi vào hoạt động cuối năm 2019, là công ty con, do Do Holdings nắm 71% vốn. Hai bên sẽ phân chia lợi nhuận theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong đó Công ty Bình Hà sẽ được chia lợi nhuận cố định mà không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của đối tác. Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi bò và trồng cỏ, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà dự kiến sử dụng khoảng trên 600ha đất và diện tích chuồng trại, kho (65 chuồng và 8 kho) để hợp tác kinh doanh.
Đại dự án đầy tai tiếng
Năm 2018 - 2019, trong quá trình điều tra đại án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV); Trần Lục Lang (cựu Phó Tổng Giám đốc); Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV Hà Tĩnh); Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh) cùng nhiều cán bộ khác về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Cựu Tổng Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Bình Hà là Đinh Văn Dũng và Trần Anh Quang cũng bị bắt về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo buộc, năm 2015 đến 2018, BIDV Hà Tĩnh đã giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Đầu tháng 11/2020, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ đại án kể trên.
Lê Quyết