Sáng 29/10, thông tin từ Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh (LĐTB&XH), đơn vị vừa phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, rà soát hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn. Qua đó, phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân không có giấy phép hoạt động XKLĐ, giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký XKLĐ, tổ chức cung ứng lao động trái phép.

Cụ thể, có 6 công ty vi phạm gồm: Công ty TNHH nhân lực Toàn Cầu HT; công ty TNHH Hợp tác Quốc tế VICTORY (xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh); công ty phát triển nhân lực quốc tế ASK tại TP. Hà Tĩnh (năm 2018 chưa có giấy phép); công ty TNHH Hùng Hường (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc); công ty TNHH Nhân lực Việt Anh Kenzy (phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh) và công ty Cổ phần Hợp tác Quốc tế Hoàng Gia (thị trấn Cẩm Xuyên).

Công ty Tư vấn du học Toàn Cầu Hà Tĩnh liên tục vi phạm pháp luật về hoạt động XKLĐCông ty Tư vấn du học Toàn Cầu Hà Tĩnh liên tục vi phạm pháp luật về hoạt động XKLĐ

Ngoài ra, cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng phát hiện nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp XKLĐ ngoại tỉnh chưa được sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động của các văn phòng trên địa bàn nhưng vẫn treo biển quảng cáo, tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, tiếp nhận hồ sơ của người đi lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, có 8 trường hợp là các chi nhánh, văn phòng bị phát hiện và xử lý vi phạm, gồm: Văn phòng công ty CP Xuất nhập khẩu CIP.CO IMEX; Văn phòng công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại THABICO Thái Bình (tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc); VP công ty cổ phần phát triển Việt Thắng (tại phường Hà Huy Tập và tại xã Thạch Bình, TP. Hà Tĩnh); Văn phòng công ty Cổ phần XNK và hợp tác Quốc tế Việt Nam (tại TX. Hồng Lĩnh); Văn phòng công ty Cổ phần Nhân lực IPM Việt Nam (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên); Văn phòng công ty Cổ phần Nhân lực TTC (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên và Phường Bắc Hồng, TX. Hồng Lĩnh).

Thậm chí trường hợp Trưởng Văn phòng công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại THABICO Thái Bình (tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) còn đứng ra tổ chức thu tiền đặt cọc, tiền phí xuất cảnh, thu học phí ngoại ngữ của lao động đăng ký đi làm việc tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Algeria... nhưng không có giấy ủy quyền của công ty.

Ngoài ra, công ty TNHH Tư vấn Du học XKLĐ Lucky TD MASAN (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) được xác định lợi dụng chủ trương về đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc để tư vấn, giới thiệu lừa đảo thu tiền của 43 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có lao động đã nộp tới 260 triệu và 2.500 USD. Vụ việc đã được Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, đồng thời tiến hành các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Để lao động không bị lừa, sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh cũng công bố danh sách 21 đơn vị, doanh nghiệp được phép tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng XKLĐ trên địa bàn Hà Tĩnh tính đến tháng 10/2019.

Danh sách 21 đơn vị được tổ chức hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh Hà TĩnhDanh sách 21 đơn vị được tổ chức hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Được biết, tại Hà Tĩnh, hiện có 72.236 người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.600 người. Riêng năm 2017 có 8.567 người, năm 2018 có 8.973 người, dự kiến năm 2019 có 8.500 người. Tính đến nay, Hà Tĩnh đang có trên 55.200 người đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động.

 Hoàng Linh