Tại phiên họp lần 4, tháng 6 của UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng chủ trì đã nghe, cho ý kiến về các nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải .
Theo dự thảo kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đưa ra 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ.
Cụ thể, hoàn thành quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phù hợp định hướng trong quy hoạch. Ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, bảo đảm nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải, nước mặt tự động, liên tục, nhất là đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn trên hệ thống Bắc Hưng Hải. Dữ liệu quan trắc môi trường phải được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để khai thác, sử dụng theo quy định.
Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý các nguồn thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải; Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép.
Kiên quyết không cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm ngành nghề, lĩnh vực tác động ảnh hưởng lớn đến môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên của địa phương, sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao; không cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống, đặc biệt là các nguồn thải có lưu lượng lớn.
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải, yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm hoặc đình chỉ hoạt động đối với trường hợp tái phạm nhiều lần, nếu đủ căn cứ chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định pháp luật nhằm nâng cao tính răn đe, tuyên truyền có hiệu quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Mục tiêu kế hoạch đề ra nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hải Dương; cải tạo phục hồi môi trường, hệ sinh thái cảnh quan các đoạn sông ô nhiễm; trả lại môi trường ban đầu, vốn có của hệ thống Bắc Hưng Hải đảm bảo cấp nước tưới tiêu phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và hoạt động dân sinh dọc 2 bên bờ sông.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT Hải Dương tiếp thu, thực hiện theo Ban Chỉ đạo chung của quốc gia, liên kết 4 tỉnh, trong nội tỉnh liên kết giữa các huyện, bổ sung chỉnh sửa phù hợp, hoàn thiện kế hoạch.
Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát các làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó rà soát công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về bảo vệ môi trường; đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, bảo đảm nước thải phát sinh từ các làng nghề phải được thu gom, xử lý toàn bộ đạt quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Xây dựng kế hoạch cải tạo mở rộng một số cống dưới đê (Văn Thai, Tiên Kiều, Đò Neo, Lạc Dục, Sông Rùa, Cổ Ngựa, My Động) để tăng cường khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và tranh thủ tiêu thoát, thau rửa nguồn nước...
Bùi Tú