Văn bản của Công ty Xi măng Phúc Sơn gửi UBND tỉnh Hải Dương
Bài 2: Công ty Xi măng Phúc Sơn báo cáo có khách quan, trung thực?
Mới đây, Công ty Xi măng Phúc Sơn lại có văn bản báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh, các sở, ngành, mục đích xin “khởi động” lại dự án (?!).Báo cáo giải trình có trung thực?
Ngày 17/5, Công ty Xi măng Phúc Sơn có Văn bản số 149/CVPS, gửi UBND tỉnh và một số sở, ngành.Trong đó, Công ty Xi măng Phúc Sơn đã nêu nguyên nhân, khiến 23 năm dự án xây dựng văn phòng tại diện tích đất “vàng” trên đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị bị chậm tiến độ, đề nghị được tiếp tục “khởi động” lại.
DN này nêu lý do: “Công ty do khó khăn từ nguyên nhân, nguyên liệu đầu vào, là đá vôi được khai thác từ các mỏ đá của công ty (mỏ Nhẫm Dương) bị tỉnh Hải Dương thu hồi để bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Nhẫm Dương. Các mỏ đá Trại Sơn A và Trại Sơn C nằm trên địa bàn tỉnh khác nên không nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền (TP. Hải Phòng).Mặc dù, công ty đã bỏ ra số kinh phí rất lớn (gần 500 tỷ đồng) để đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư khu vực bán kính an toàn, của 2 mỏ Trại Sơn A và Trại Sơn C.
Người dân nằm ngoài bán kính an toàn các mỏ đá nói trên kéo lên ngăn chặn hoạt động sản xuất của công ty, khiến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình chệ, sản phẩm xi măng không đủ cung ứng cho thị trường, công nhân không có việc làm, thiệt hại rất lớn cho công ty.
Xuất phát từ nguyên nhân trên, ảnh hưởng đến tình hình tài chính; các kế hoạch xây dựng phải dừng lại do không có kinh phí, dự án xây dựng nhà văn phòng tại đường Thống Nhất (TP. Hải Dương) cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng này”.
Trên thực tế, những hoạt động khai thác nguyên liệu của Công ty Xi măng Phúc Sơn lại hoàn toàn trái ngược với văn bản giải trình mà DN này đưa ra.
Cụ thể: Công ty Xi măng Phúc Sơng được cấp phép khai thác mỏ đá vôi núi Nhẫm Dương từ năm 1996, diện tích trên 34 ha, trong thời gian 30 năm. Năm 2013, Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành quyết định điều chỉnh tọa độ, diện tích khai thác mỏ đá vôi Nhẫm Dương với diện tích 17,32 ha.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này có nhiều điểm không phù hợp. Hoạt động khai thác của Công ty Xi măng Phúc Sơn làm đá thường xuyên bắn vào chùa Nhẫm Dương, hệ thống các hang động xung quanh bị rung chấn, cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng…
Chính vì vậy, năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo cắm mốc giới để phân định vùng được khai thác của Công ty Xi măng Phúc Sơn, Khu di tích khảo cổ quốc gia chùa Nhẫm Dương và các hang động xã Duy Tân (huyện Kinh Môn) được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 2003.
Nhưng phải đến cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ mới ký quyết định xếp hạng quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích quốc gia đặc biệt và đồng ý đưa mỏ đá vôi Nhẫm Dương (Kinh Môn) của Công ty Xi măng Phúc Sơn ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.
Như vậy, có thể nói, việc khai thác đá vôi làm nguyên liệu của Công ty Xi măng Phúc Sơn tại đây vẫn diễn ra bình thường, trong thời gian dài?
Trong khi đó, trên địa bàn TP. Hải Phòng, Công ty Xi măng Phúc Sơn không những đã được khai thác nguyên liệu, mà còn khai thác vượt quá quy định, có nhiều sai phạm nghiêm trọng, đã được chỉ rõ.
Cụ thể: Tại Thông báo số 103/TB-KVI của Kiểm toán Nhà nước - Khu vực VI (ngày 5/3/2018), Công ty Xi măng Phúc Sơn (địa chỉ tại xã Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) là DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) dưới cốt cho phép (+5m) là trên 434.000 m3; khối lượng đá nguyên khai chưa kê khai tính thuế tài nguyên và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước là trên 8 triệu m3 (chưa kê khai tính phí bảo về môi trường trên 9 triệu m3).
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước tạm xác định số tiền DN này còn phải nộp ngân sách nhà nước khoảng 266,6 tỷ đồng. Ngoài dấu hiệu sai phạm nêu trên, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ở ngoài khu vực ranh giới mỏ của Công ty Xi măng Phúc Sơn và một đơn vị khác có hiện tượng khai thác trái phép với trữ lượng lên đến gần 15 triệu m3 đá vôi. Các trữ lượng khoáng sản khai thác trái phép này, không được kê khai để tính thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 1.177,9 tỷ đồng.
Để xảy ra việc này, Kiểm toán Nhà nước xác định do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền. Cụ thể, năm 2009, UBND huyện Thủy Nguyên đã có báo cáo phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhưng UBND TP. Hải Phòng chưa quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý.
Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng chỉ quản lý dựa vào báo cáo sản lượng khai thác cho phép hàng năm với sản lượng lớn mà không kiểm kê trữ lượng.
Sở này cũng không báo cáo lên Bộ Tài nguyên & Môi trường và đề xuất tham mưu, đưa ra các giải pháp xử lý đối với hoạt động khai thác trái phép của Công ty Xi măng Phúc Sơn.
Chỉ là sự bao biện đối phó?
Công ty Xi măng Phúc Sơn khai thác đá vôi tại khu vực chùa Nhẫm Dương, mới dừng khai thác vào năm 2017
Thực tế, việc khai thác nguyên liệu đá vôi của Công ty Xi măng Phúc Sơn không hề gặp khó khăn như trong nội dung bản báo cáo giải trình của đơn vị này.
Một điều khó hiểu nữa đó là ngày 17/5/2019, Công ty Xi măng Phúc Sơn mới có bản báo cáo phương án sử dụng đất gửi UBND tỉnh Hải Dương. Nhưng trong đó lại ghi là “lập tiến độ triển khai dự án từ tháng 1/2019”. Phải chăng, đây là sự bao biện, đối phó với nội dung Thông báo số 135-TB/TNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, thông báo cho công ty về việc chấp hành pháp luật về sử dụng đất đai tại 2 thửa đất trên?
Có thể thấy, việc giải trình vừa qua của Công ty Xi măng Phúc Sơn về việc thiếu nguyên liệu đầu vào dẫn đến ảnh hưởng sản xuất nên dự án xây dựng trụ sở văn phòng công ty (trên diện tích đất tại đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị) bị tạm dừng, có đúng sự thật hay không?
Hay DN này đang cố tình “bao biện” để nhằm mục đích giữ lại khu đất đã 23 năm để hoang hóa (diện tích đất này đang là địa điểm đẹp, vị trí đất “vàng” của TP. Hải Dương)?
Cũng xin lưu ý lại là diện tích 2.146 m2 đất được giao cho Công ty Xi măng Hải Hưng, góp vốn liên doanh với Công ty Xi măng Phúc Sơn, chứ không giao riêng cho đơn vị nào.
Vì vậy, cần làm rõ việc Công ty Xi măng Hải Hưng còn hoạt động hay không?
Tính pháp lý của liên doanh này có còn hiệu lực?
Việc Công ty Xi măng Phúc Sơn lại đứng ra làm văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương, xin khởi động lại dự án, có đủ tính pháp lý không?...
Tuấn Minh