Đá rơi ầm ầm từ trên núi xuống, cả khu phố hò nhau đi chạy

Núi Thần (thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) tồn tại yên bình với cuộc sống của người dân khu dân cư 2, thị trấn Phú Thứ hàng nghìn năm qua. Nhưng từ năm 2008 đến nay, ngọn núi này trở thành nỗi khiếp đảm của người dân địa phương khi Công ty TNHH Hoàng An chính thức tiến hành khai thác đá tại núi Thần sau khi được sự phê duyệt của UBND tỉnh Hải Dương. Cuối năm 2015, hàng chục hộ dân khu 2 đã vô cùng lo lắng khi sau tiếng nổ mìn là cơn mưa đá tảng bay xuống nhà dân khiến nhiều tài sản bị hư hại. Mới đây ngày 7/4/2017, nhiều hộ dân đã phải tiếp tục chứng kiến nhiều hòn đá tảng lớn bất thình lình từ trên đỉnh ngọn núi cách khu dân cư chưa đến 100 mét này rơi xuống sát nhà dân.

Hải Dương: Nỗi bất an của người dân sống dưới chân núi Thần - Hình 1

Người dân sống gần sát chân núi Thần bức xúc về việc nổ mìn khai thác của Công ty Hoàng An

Bà Trần Thị Liêm (người dân khu 2, thị trấn Phú Thứ) nhà sát chân núi Thần cho biết: “Trưa ngày 7/4, tôi đi nộp tiền nước về gần đến nhà, tôi thấy nhiều hòn đá tảng lớn từ trên núi rơi xuống, mỏm đá cheo leo trên núi thì rung lắc. Khi đó 3 đứa cháu tôi nằm trong nhà nên tôi kinh hãi hô thất thanh lên. Trước đó thì nhiều lần, ban đêm cứ nghe tiếng rắc rắc là cả nhà tôi dậy chạy hết ra ngoài đường, không dám đứng trong nhà nữa. Cứ như thế này chúng tôi hãi lắm. Bởi không chỉ đá rơi, trên đỉnh núi còn có tảng đá trượt lớn. Nếu tảng đá đó mà rơi xuống không những đe dọa tính mạng chúng tôi mà còn nhà cửa, tài sản của chúng tôi nữa”.

Giống như nỗi lo lắng của bà Liêm, bà Đỗ Thị Biển cũng sinh sống gần sát chân núi Thần cho biết: “Nhà tôi nằm sát tịt ở chân núi, mỗi khi bắn mìn khai thác đá chúng tôi đều rất hoảng sợ. Tôi cùng con chạy vội ra ngoài thì đã thấy mấy tảng đá lớn nằm lăn lóc trong vườn nhà. Lo sợ đá lở thêm nữa từ trưa đến tối cùng ngày hôm đó, gia đình tôi không dám về nhà. Bây giờ họ bắn mìn ở mạn bên kia nhưng phía giáp khu dân cư là hòn đá trượt lớn, nếu bị ảnh hưởng của rung chấn, hòn đá trượt này mà rơi xuống khi gia đình tôi sẽ không biết thế nào”.

Chị Vũ Thị Bình, người dân khu 2 cho biết, vào tháng 11/2015, sau tiếng nổ lớn khi công ty TNHH Hoàng An tiến hành khai thác đá tại khu vực núi Thần thuộc khu 2, thị trấn Phú Thứ, một lượng đá từ ngọn núi Thần đã rơi xuống khu dân cư, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khi đá rơi làm mái tôn, mái ngói của nhiều gia đình bị thủng, nền sân xi măng bị hư hỏng. Thậm chí đá rơi cả vào khu vực trường mầm non của địa phương khiến người dân lo lắng.

Anh Phạm Văn Thắng, chồng chị Bình cho biết: “Lo lắng đá rơi xuống nhà nên giờ cả nhà tôi phải ngủ ở giữa nền nhà ở tầng 1. Trước đây các con tôi ngủ ở tầng trên nhưng năm 2015, gia đình tôi đã bị đá trên núi Thần rơi xuống vườn nhà. Khai thác đá khiến ngôi nhà tôi bị rạn nứt nên rất lo lắng”.

Lên phương án cắt ngọn núi Thần

Trước nỗi lo lắng của hàng chục hộ dân khu 2 (thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ.

Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, UBND thị trấn Phú Thứ đã cử người xuống hiện trường nắm tình hình. “Việc sạt lở đá gây nguy hiểm của người dân nên UBND thị trấn Phú Thứ đã yêu cầu Công ty TNHH Hoàng An phải lên phương án cắt gọt ngọn núi, để xử lý tình trạng mất an toàn đối với cuộc sống người dân. Quá trình cắt gọt phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân sống gần khu vực khai thác đá.

Ngày 8/4, UBND huyện và UBND thị trấn vào làm việc để xem phương án xử lý mỏm đá ấy. Trước phản ánh của người dân về tình trạng họ không dám ở nhà cũng để tránh nguy cơ mất an toàn cho người dân, UBND thị trấn yêu cầu các hộ dân trong vùng ảnh hưởng tạm thời di dân để đảm bảo an toàn rồi mới trở lại nhà khi ngọn núi được cắt gọt xong. Người dân yêu cầu công ty phải có trách nhiệm khi người dân di rời tạm thời, chúng tôi cũng giao cho công ty thực hiện việc đó”, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cho biết.

Trao đổi với PV báo TH&CL, ông Trần Đức Hanh, Giám đốc TNHH Hoàng An cho biết: “Việc đá rơi xuống dưới khu vực chân núi Thần là do chúng tôi xử lý những hòn đá trên đỉnh ngọn núi như đá mồ côi, đá chồng… Bởi nếu để nguyên như vậy thì những hòn đá đó cũng tự rơi, rất nguy hiểm. Việc này cũng xuất phát từ yêu cầu của dân và chính quyền địa phương từ đợt trước là những hòn đá chồng, đá mồ côi, đá cheo leo đề nghị công ty xử lý. Khi xử lý chúng tôi đã thông báo UBND Thị trấn Phú Thứ, còn việc thông báo với dân thì UBND phải có trách nhiệm thông báo với người dân”.

Bùi Tú