Thời gian qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư về công tác đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức và người dân.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 02 doanh nghiệp được Bộ LĐTB&XH đã cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghệ An cũng đã giới thiệu hơn 50 doanh nghiệp tuyển chọn lao động tại địa phương, tạo nguồn lực lao động ổn định cho các chương trình xuất khẩu lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn, tuyển chọn và hoàn thiện thủ tục cho người lao động. Đồng thời, tỉnh chú trọng mở rộng các thị trường lao động có mức thu nhập cao và điều kiện an toàn, phù hợp với trình độ của lao động địa phương.
Người lao động đi làm việc nước ngoài cũng được hưởng các chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và hưởng các chính sách ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, các lao động còn được đào tạo ngoại ngữ, định hướng và học nghề trước khi xuất cảnh, trong đó khoảng 60% lao động đã qua đào tạo chuyên môn.
Mức thu nhập bình quân của lao động làm việc ở nước ngoài dao động từ 17 đến 35 triệu đồng/tháng, giúp cải thiện đời sống gia đình và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Nhiều lao động sau khi về nước đã tìm được việc làm ổn định tại các doanh nghiệp FDI với thu nhập cao hơn. Số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 600 đến 650 triệu USD/năm góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.
Các cơ quan chức năng cũng theo dõi sát tình hình người lao động ở nước ngoài, phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để tuyên truyền và vận động người lao động tuân thủ hợp đồng, tránh các trường hợp làm việc bất hợp pháp. Nhờ sự phối hợp tốt, hầu hết người lao động của tỉnh đều được đánh giá cao về sự chăm chỉ, tuân thủ pháp luật và hợp đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lôi kéo, dụ dỗ lao động đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý.
Thông qua công việc tại nước ngoài, người lao động không chỉ đóng góp nguồn ngoại tệ mà còn quảng bá văn hóa, hình ảnh con người địa phương đến bạn bè quốc tế. Đây là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và ý thức tự hào dân tộc của người dân tỉnh nhà.
Xuất khẩu lao động không chỉ là giải pháp việc làm mà còn là cơ hội nâng cao trình độ, cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.
Lê Quyết