Người dân sống tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc Công ty Tân Việt Bắc dùng mìn khai thác đá trong thời gian dài, chính là nguyên nhân khiến nhà của hàng trăm hộ dân bị nứt nẻ. Trong khi DN này nổ mìn, chưa có những phương án cụ thể để bồi thường sửa chữa?
Sống trong sợ hãi
Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc(Công ty Tân Việt Bắc) là DN được Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (trụ sở tại xã Phong Xuân) hợp đồng để khai thác đá, sản xuất xi măng cho công ty này. Năm 2014, Công ty Tân Việt Bắc bắt đầu khai thác đá tại mỏ đá Đồng Lâm (xã Phong xuân, Phong Điền), cũng từ đó, hàng trăm hộ dân sống gần mỏ đá Đồng Lâm luôn sống trong sợ hãi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tường (62 tuổi, xã Phong Xuân) cách mỏ đá khoảng hơn 300 m, chính vì vậy mỗi khi Công ty Tân Việt Bắc nổ mìn, nhà lại xuất hiện những vết nứt. Theo trình bày của ông Tường thì, trước đây nhà ông chỉ nứt đôi chỗ không đáng kể, nhưng về sau nhà xuất hiện thêm các vết nứt mới ở cả nhà trên và nhà dưới. Mỗi khi Công ty Tân Việt Bắc nổ mìn thì nhà ông dường như xuất hiện những vết nứt mới và nghiêm trọng hơn.
Tại ngôi nhà của ông Tường, theo quan sát của chúng tôi, phản ánh của ông là có cơ sở, trên tường nhà xuất hiện những vết nứt lớn và kéo dài tới hàng mét. Nhiều vết nứt xuất hiện trên cả cột nhà, đáng nói, lớp vữa trên trần nhà cũng bị rơi xuống do các chấn động của nổ mìn.
Gia đình ông Trần Văn Châu (80 tuổi, xã Phong Xuân) cũng xuất hiện nhiều vết nứt mà theo ông Châu thì chính Công ty Tân Việt Bắc gây ra, khi DN này khai thác bằng nổ mìn. Ông Châu cho hay, nhà ông có dấu hiệu bị nứt năm 2015, căn nhà trên của ông, hiện vợ chồng không dám ở vì sợ sập, chính vì vậy cả nhà ông kéo xuống nhà dưới để ngủ.
Vì nhà xuất hiện nhiều vứt nứt nên ông Châu đã phản ánh lên Công ty Tân Việt Bắc, sau đó đại diện DN này đã đến nhà ông để xem xét. Khi đại diện công ty đưa ra phương án sửa chữa theo cách đục những chỗ bị nứt ra để trám thì ông Châu không đồng ý. Theo ông Châu, cách làm này chỉ khiến căn nhà giống như tấm áo bị vá và lâu dần những điểm đục ra cũng sẽ bị nứt trở lại.
Vết nứt trên nhà của ông Tường
Không chỉ nổ mìn làm nứt nhà, người dân còn “tố” đơn vị khai thác đá còn làm hư hại hoa màu của bà con.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ đá Đồng Lâm nằm ngay sát ruộng lúa của người dân xã Phong Xuân, chính vì vậy, mỗi khi nổ mìn thì đá lại văng xuống ruộng khiến người dân bị thiệt hại. Sau những phản ánh của người dân, để “chữa cháy”, phía đơn vị khai thác đã bồi thường cho người dân theo năng suất của từng vụ. Thế nhưng, những nhà có ruộng bị ảnh hưởng lại cho rằng, số tiền bồi thường này chưa tương xứng với công sức và thu nhập thực tế từ việc làm nông của họ.
Nhà nứt không phải do nổ mìn?
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân xác nhận sự việc người dân phản ánh DN nổ mìn gây nứt nhà là có. Hiện tại, 3 thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc nổ mìn của Công ty Tân Việt Bắc đó là các thôn Xuân Lộc, Vinh Ngạn, Hiền An.
Theo ông Tân, từ năm 2015 đến nay, người dân bắt đầu phản ánh và gởi đơn lên xã về việc nhà bị nứt. Sau những phản ánh của người dân, xã Phong Xuân đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, huyện Phong Điền vào cuộc kiểm tra. Thế nhưng, theo ông Cân, hiện chưa thể kết luận được nguyên nhân nứt nhà của hàng trăm hộ dân có liên quan đền việc nổ mìn của Công ty Tân Việt Bắc hay không.
Trong khi đó, người dân lại khẳng định, khu vực xung quanh mỏ đá, trước đây không bị xáo trộn, không có động đất, phần lớn những vết nứt nẻ trong nhà chỉ xuất hiện từ khi Công ty Tân Việt Bắc khai mỏ.
Mỏ đá của Công ty Tân Việt Bắc
Tuy nhiên, ông Cân cho rằng, việc sản xuất của bà con bị ảnh hưởng vì nổ mìn là có và hiện tại đã được DN đền bù. “Trong năm 2015, 2016, phía DN đã đền bù cho người dân, nhưng đến năm 2017, vẫn chưa nghe động thái gì từ phía công ty khai thác mỏ”, ông Tân cho biết.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Chỉ huy phó Đội nổ mình của Công ty Tân Việt Bắc cho biết, tháng 3/2014, công ty bắt đầu khai thác, đến tháng 8/2014 thì nổ mìn tại mỏ đá Đồng Lâm. Trung bình mỗi lần công ty dùng 3 tấn thuốc nổ với hình thức nổ vi sai phi điện, trung bình mỗi ngày, công ty này khai thác khoảng 8.000 tấn đá để cung cấp cho Xi măng Đồng Lâm.
Khi có ý kiến của dân thì công ty cùng với cơ quan liên quan đến nhà dân để thẩm định đánh giá.
Ông Tân, đại diện Tân Việt Bắc cho rằng, nứt nhà dân, chưa hẵn là vì DN nổ mìn: “Nổ mìn thì phải có chấn động, chứ không thể nói không có. Thế nhưng, phải đánh giá trên nhiều phương diện..."..
“Từ ngày 23 - 25/2, công ty sẽ tiến hành nổ mìn theo phương pháp mới. Sau đợt này, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương, PC64 - Công an Thừa Thiên Huế để đánh giá xem xét bồi thường cho người dân”, ông Tuấn nói về kế hoạch bồi thường.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Trước việc phản ánh của người dân ở xã Phong Xuân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì cùng với huyện và Nhà máy Xi măng Đồng Lâm có phương án đền bù thiệt hại cho người dân. Trên cơ sở thẩm định độc lập, phía Nhà máy Xi măng Đồng Lâm sẽ đền bù thỏa đáng.
Theo ông Hùng, ngoài việc đền bù, cần tính đến phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi khác tái định cư để đảm bảo an toàn.
Đình Duy