Cụ thể, trong ngày 17/2, lực lượng phòng hóa phun khử khuẩn được 12 điểm ở khu đô thị thương mại Lai Cách, Công ty Kuroda Kagaku Việt Nam, Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Giáo dục nghề nghiệp huyện Cẩm Giàng.

Quân khu 3 đã hỗ trợ huyện Cẩm Giàng phun khử khuẩn
Quân khu 3 đã hỗ trợ huyện Cẩm Giàng phun khử khuẩn.(Ảnh Báo HD)

Theo dự kiến, ngày 18/2 và trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phun khử khuẩn một số khu cách ly tập trung của huyện, một số doanh nghiệp có nguy cơ cao để phòng, chống và hạn chế dịch bệnh lây lan.

Trước đó, ngày 17/2, làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Giàng nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị của huyện làm thật tốt, hiệu quả công tác tuyên truyền cả mặt tích cực-tiêu cực để người dân nhận thức rõ mối nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch.

Huyện Cẩm Giàng phải củng cố lại các tổ COVID-19 cộng đồng và giao cho các đảng viên có uy tín, trách nhiệm đứng đầu. Các chốt kiểm dịch trên địa bàn phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa và chỉ cho những người có đủ điều kiện dịch tễ được ra vào huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa quyết định thành lập tổ công tác tăng cường chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Cẩm Giàng. Tổ công tác gồm 11 thành viên do ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở lao động gồm: văn phòng, công sở, khu dịch vụ (trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng, bưu điện), cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp...

Các cơ sở lao động gửi bản tự chấm điểm về Ban Quản lý các khu công nghiệp (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp), về Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và các cơ sở lao động khác) để theo dõi, giám giát.

Các cơ sở lao động đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 thì được hoạt động và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Các cơ sở sẽ tự chấm điểm dựa vào 15 tiêu chí cụ thể như: số lượng người lao động làm việc tập trung tại cơ sở; mật độ người lao động ở các phân xưởng; nguy cơ lấy nhiễm từ người lao động; thông khí nhà xưởng; tỷ lệ người lao động được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng; điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động; sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc; bố trí dung dịch sát khuẩn; tổ chức bữa ăn ca; vệ sinh, khử khuẩn môi trường làm việc.

Bùi Tú