Chiều 7/7, Đoàn giám sát Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2020 - 2022.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Trưởng đoàn, chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Phó giám đốc Công an tỉnh Phạm Chí Hiếu, từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 61 vụ cháy, 1 người chết, 4 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 17 tỷ đồng. Trước những thiệt hại xảy ra, tỉnh Hải Dương xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc này, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý tình huống nếu ra ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ.
Về phía Công an tỉnh Hải Dương, đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức đăng 210 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về PCCC và CNCH, tổ chức huấn luyện, phổ biến kiến thức pháp luật 445 lượt tại các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh với trên 29.000 người tham gia. Triển khai tuyên truyền vận động các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan doanh nghiệp và người dân cài đặt ứng dụng App "Báo cháy 114", đến nay đã có khoảng hơn 2000 thuê bao cài đặt ứng dụng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 16 mô hình bảo đảm an toàn PCCC trong đó có 14 mô hình Tổ tự quản về PCCC và CNCH, 1 mô hình cụm liên kết an toàn về PCCC và CNCH tại Cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách; 1 mô hình an toàn về PCCC và CNCH tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.334 đội dân phòng, 14 đội PCCC chuyên ngành tại các cơ sở sản xuất và khu công nghiệp với 225 thành viên; 9.068 đội PCCC cơ sở với tổng số trên 30.000 người.
Tuy nhiên, phương tiện chữa cháy và CNCH của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh hiện nay còn thiếu, nhiều phương tiện đã cũ, hết niên hạn sử dụng, khi vận hành thường xuyên xảy ra sự cố. Công an cấp huyện mới chỉ có 05 cán bộ chiến sỹ và chưa được trang bị xe chữa cháy; các dụng cụ phương tiện chữa cháy tại chỗ của Công an cấp xã còn thiếu do vậy khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin và tổ chức chữa cháy nhanh chóng hiệu quả.
Sau khi nghe báo cáo tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý một số nội dung về công tác PCCC, qua đó, làm rõ những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, giải pháp khắc phục trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn giám sát, cũng là dịp để tỉnh Hải Dương đánh giá lại công tác PCCC và CNCH trong thời gian qua. Tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý của Đoàn giám sát, chỉnh sửa, bổ sung các số liệu báo cáo theo yêu cầu của Đoàn. Khẳng định tỉnh Hải Dương luôn dành sự quan tâm tới công tác PCCC và CNCH coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tập trung mọi nguồn lực, nhân lực cho công tác này.
Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH, nâng cao ý thức hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp nhất là đối với các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Đối với một số đề nghị của tỉnh Hải Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, Đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp báo cáo Quốc hội để kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định sát hơn với tình hình thực tiễn tại các địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Đoàn giám sát, có báo cáo chi tiết nhất, bổ sung các số liệu thống kê trong đó các ban, sở, ngành của tỉnh cũng cần tham gia báo cáo cụ thể theo lĩnh vực được giao. Đồng chí đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết số 99/2019/QH14 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về phía Công an tỉnh Hải Dương, cần tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp để hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn từ khâu thiết kế cho đến nộp hồ sơ, thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ… đảm bảo doanh nghiệp làm đúng, đủ ngay từ đầu; cần đổi mới hình thức tuyên truyền và gắn với từng đối tượng để toàn dân hiểu rõ, hiểu sâu về công tác PCCC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm công tác PCCC và CNCH.
Bên cạnh đó, việc rà soát các quy định của pháp luật hiện hành để chỉ ra những vướng mắc, bất cập, có kiến nghị, đề xuất cụ thể gửi về Đoàn giám sát tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, từ đó đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo thông thoáng thúc đẩy phát triển Kinh tế xã hội nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Bùi Tú