Anh Nguyễn Văn Chương xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) kiểm tra ngư cụ chuẩn bị ra khơi

Chuẩn bị cho chuyến “vươn khơi”, anh Nguyễn Văn Chương cùng các thành viên trong tàu đang tỉ mẩn kiểm tra lại những tấm lưới đánh bắt thủy sản và kể cho chúng tôi nghe cái “duyên” bám biển và làm giàu nhờ “lộc biển” của mình.

Những năm 2000, anh Chương dời ghế nhà trường bậc học phổ thông để ở nhà lập nghiệp, hỗ trợ bố mẹ phát triển kinh tế gia đình. “Thời điểm ấy, tôi cũng muốn đi học tiếp lắm nhưng nhà nghèo nên đành chịu. Để vơi đi nỗi buồn và kiếm vốn khởi nghiệp, tôi theo bố đi đánh bắt thủy, hải sản gần bờ”, anh chia sẻ.

Với quyết tâm bám biển, bám ngư trường để vươn khơi xa, năm 2013, anh Chương cùng một số ngư dân trong xóm đã mạnh dạn thế chấp nhà cửa, đất đai để vay gần 1 tỷ đồng đóng mới tàu cá công suất 500CV... Sau nhiều chuyến biển trúng đậm tôm, cá, mực... gia đình anh Chương phất lên nhanh chóng trước sự ngỡ ngàng của bà con thôn xóm. 

Dẫn chúng tôi ra thăm con tàu vừa cải hoán công suất máy lên gần 700CV cách đây hơn một năm, anh Chương cho biết: Trên đà làm ăn khấm khá, anh tiếp tục cải hoán máy móc để gọi thêm nhiều thanh niên đang thất nghiệp trong xóm đi theo phụ tàu với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Hiện mỗi năm, bình quân tàu cá của gia đình anh Chương thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng từ nguồn lợi hải sản.

Đến nay, nhờ khai thác thủy sản hiệu quả nên anh Chương và các thành viên có điều kiện xây nhà ở kiên cố, lo cho con cái ăn học đầy đủ, có cuộc sống ổn định. Cũng theo anh Chương, từ đầu năm 2023 đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho bà con ngư dân khai thác thuỷ sản, đặc biệt là đội tàu khai thác tuyến khơi. Số ngày bám biển của bà con ngư dân đạt từ 19-25 ngày/tháng đối với tàu khai thác ven bờ; 15-20 ngày/tháng đối với tàu khai thác xa bờ.

Bên cạnh việc thời tiết và ngư trường khá thuận lợi, một số chính sách của Nhà nước hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, thiết bị bảo quản đã được triển khai đến bà con ngư dân, nên đã tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác hải sản.

Thành quả của ngư dân xã Hải Chính sau những chuyến ra khơi

Đối với anh Nguyễn Văn Bình, ở xóm Hữu Nghị, xã Hải Chính, cũng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, học hỏi khắp nơi, anh Nguyễn Văn Bình đã thành công với mô hình nuôi ốc hương thương phẩm trong nhà lưới cho thu nhập hàng tỷ mỗi năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, tạo việc làm ổn định cho gần 30 công nhân lao động tại địa phương. 

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của bản thân, anh Bình cho biết:

“Khoảng thời gian 3 năm, theo nghiệp “ăn sóng nói gió”, những nhọc nhằn và cả vị mặn mòi của biển càng khiến tôi quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2020, nhận thấy mô hình nuôi ốc hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tôi đã cất công tìm đến các cơ sở nuôi ốc hương điển hình ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu, nghiên cứu cách nuôi.

Sau khi học hỏi được quy trình nuôi ốc hương, tôi đã về nhà cải tạo diện tích ao đầm trên diện tích 1.000m2, đưa cát vào lót đáy ao, mua 30 vạn con ốc hương giống để nuôi thương phẩm”.

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và nắng nóng thường xuyên kéo dài, mưa giông đột ngột làm môi trường ao nuôi biến động gây sốc cho vật nuôi khiến ốc chết rất nhiều.

Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi đầu tư lưới che bên trên để giảm cường độ ánh nắng, giảm lượng nước mưa trực tiếp vào ao nuôi, đồng thời xây hệ thống ao lắng lọc để xử lý nước đạt tiêu chuẩn trước khi cấp vào ao nuôi. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, môi trường luôn đảm bảo nên ốc hương sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh giúp anh liên tiếp gặt hái được thành công trong các vụ nuôi tiếp theo.

Đến nay, anh Bình đã mở rộng diện tích nuôi ốc hương thương phẩm lên 5.000m2 gồm ao lắng và 7 ao nuôi để thực hiện nuôi ốc thương phẩm 3 giai đoạn theo phương thức gối vụ. Ước tính mỗi năm cơ sở xuất bán 15 tấn ốc hương thương phẩm với giá 250-350 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi khoảng 2 tỷ đồng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ ốc hương khá dồi dào, hàng xuất đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Sản phẩm ốc hương của anh Bình được xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và các khu du lịch.

Từ hiệu quả kinh tế biển mang lại, những năm qua, xã Hải Chính đã chú trọng phát triển kinh tế biển.

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản cho bà con ngư dân, các ngành chức năng đã phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác, triển khai các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên các vùng biển xa; tuyên truyền các quy định về đánh bắt thủy sản.

Ngư dân địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và trang bị các phương tiện hiện đại như máy tầm ngưu, máy định vị, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ đánh bắt dài ngày trên biển khơi xa.

Nhờ có chính sách khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế biển, ngư dân trong xã đã đóng mới được 6 tàu cá vỏ thép (được UBND tỉnh phê duyệt); sửa chữa, cải hoán tàu cá, nâng tổng số lên 55 chiếc, với công suất 120CV, trong đó có 100% số tàu thuyền có công suất lớn từ 90CV trở lên.

Đến nay, toàn xã có khoảng gần 100 tàu cá đánh bắt xa bờ. Các tàu cá này tập trung khai thác ở các ngư trường xa bờ; góp phần đưa sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 của xã đạt 1.268 tấn, tăng 482 tấn so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2023, toàn xã khai thác được 1.160 tấn hải sản các loại.

Ngoài ra, xã còn khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng... với hàng chục ha mặt nước lợ nuôi tôm, cá; mỗi năm thu 200 tấn tôm, 40-50 tấn cá, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. 

6 tháng cuối năm 2023, xã Hải Chính phấn đấu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 1.000 tấn trở lên; giá trị sản phẩm thu hoạch nuôi trồng thủy sản đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm góp phần giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Theo Báo Nam Định