Theo đó, Nghị quyết được cho là chính sách thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Theo thống kê của Sở Y tế Hải Phòng, so với định mức tối thiểu, hiện nay tại các cơ sở y tế công lập của Hải Phòng, số bác sỹ còn thiếu là 15,2%; số dược sỹ đại học còn thiếu 32,5%; số điều dưỡng còn thiếu 8,7%; số hộ sinh còn thiếu 4,8%; số kỹ thuật viên y tế còn thiếu 33,1%, tổng số nhân lực còn thiếu là khoảng 4 nghìn người.
Nhân lực ngành y tế ở Hải Phòng thiếu ở một số chuyên ngành sâu và ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, trạm y tế xã, phường. Tại các bệnh viện chuyên khoa khó như Tâm thần, Lao, Phục hồi chức năng, Trung tâm cấp cứu 115 và các đơn vị tuyến huyện, trạm y tế, do không thu hút được bác sĩ về công tác nên phải sử dụng cả y sỹ khám chữa bệnh.
Việc thiếu nhân lực tại các cơ sở y tế công lập tại Hải Phòng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân không nhỏ đến từ việc thu nhập của y, bác sĩ tại các cơ sở công lập còn thấp hơn nhiều so với các cơ sở y tế tư nhân, nhiều y, bác sĩ chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân làm việc, chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, đào tạo của Hải Phòng chưa hợp lý, chưa hấp dẫn người tài.
Theo báo cáo, tình trạng nhân viên y tế tại các đơn vị công lập toàn thành phố xin nghỉ việc có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 có 65 người, năm 2019 là 67 người, năm 2021 là 121 người và năm 2022 có 128 người. Dù chưa cao so với các tỉnh, thành phố khác, tuy nhiên trong số những người nghỉ việc, có rất nhiều nhân sự là người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao ở các cơ sở tuyến thành phố.
Để giải quyết phần nào những khó khăn trong thực trạng nhân lực ngành y tế Hải Phòng, HĐND Hải Phòng thông qua Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ, đãi ngộ nhân lực ngành y tế giai đoạn 2024-2030.
Theo nghị quyết, viên chức là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên ở các cơ sở y tế công lập nhóm 3 (tự bảo đảm một phần chi thường xuyên), nhóm 4 (do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên), trạm y tế khi được cử đi đào tạo, tiếp nhận chuyên môn ở tuyến trên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và 4,8 triệu đồng/người/tháng tiền đi lại, tài liệu học tập.
Không chỉ vậy, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, viên chức đi học tiến sĩ được hỗ trợ một lần 90 triệu đồng; chuyên khoa cấp 2 là 72 triệu đồng; bác sĩ nội trú 63 triệu đồng; thạc sĩ-chuyên khoa cấp 1 là 48 triệu đồng và bác sĩ 27 triệu đồng. Các chuyên ngành khó, ít hấp dẫn như lao, phong, tâm thần, pháp y, phục hồi chức năng, giải phẫu bệnh, viên chức sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ gấp 1,5 lần quy định trên.
Đối với viên chức đi tiếp nhận kỹ thuật chuyên môn, chuyên khoa được hỗ trợ 9 triệu đồng/người khi học thành công. Viên chức y tế ở trung ương được cử đi đào tạo, tăng cường chuyên môn cho tuyến dưới tại TP Hải Phòng, hoặc viên chức y tế ở Hải Phòng đi hỗ trợ đảo Bạch Long Vĩ sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng/người/tháng. Các viên chức y tế ở Hải Phòng đi tăng cường tuyến dưới được hỗ trợ 4,8 triệu đồng/tháng.
Mỗi viên chức chỉ được hưởng chế độ đãi ngộ tối đa 3 lần trong giai đoạn 2024-2030. Việc này giúp thu nhập của nhân lực ngành y tế tại các cơ sở công lập có thể tiến gần hơn với mức thu nhập của các cơ sở y tế ngoài công lập.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, việc thông qua Nghị quyết sẽ tích cực động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tạo được nguồn nhân lực y tế có chất lượng, các chuyên gia tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, điều này cũng tạo sự thu hút nhân lực về y tế cơ sở, nâng cao chất lượng nhân lực y tế đồng bộ từ tuyến xã đến tuyến thành phố.
Kim Huệ