Tại thị trấn huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng nhiều năm trở về hàng hóa được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đã dần thay da đổi thịt, nhiều tuyến đường được mở rộng, lượng công nhân tham gia làm việc trong các khu công nghiệp ngày một nhiều, các hoạt động thương mại vì thế cũng tăng. Đây là một dấu hiệu đáng mừng về sự phát triển kinh tế của huyện Vĩnh Bảo nói riêng và TP. Hải Phòng nói chung. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại đây vẫn còn lo ngại bởi việc xuất hiện nhiều cửa hàng đang bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi ngờ bán hàng “lậu”, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ,…
Nhằm xác minh thông tin, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã mục sở thị một sổ cửa hàng khu vực này.
Cửa hàng Mỹ phẩm Sâm Pháp có địa chỉ số 176, khu 3/2, thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng bày bán đa dạng các mặt hàng về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy không gian kinh doanh của cửa hàng không lớn những cũng chứa tới hàng nghìn sản phẩm các loại: son, phấn, nước hoa, dầu gội, sữa tắm, viên uống nội tiết, dưỡng môi, viên uống trắng da, kem chống nắng, quần áo nội y, phụ kiện trời trang,...
Hình ảnh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhãn gốc 100% chữ nước ngoài tại cửa hàng Mỹ phẩm Sâm Pháp:
Tìm hiểu về các viên uống nội tiết dành cho nữ, phóng viên được chủ cửa hàng Sâm Pháp giới thiệu một vài sản phẩm “hàng chuẩn” được “xách tay” về Việt Nam. Theo quan sát thực tế, tại cửa hàng Sâm Pháp, hàng “xách tay” tại đây được xách tay với số lượng “theo thùng” khiến bất cứ ai cũng hoài nghi về nguồn gốc “chính hãng” của các sản phẩm. Tại đây còn xuất hiện rất nhiều sản phẩm có 100% nhãn chữ tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ Tiếng Việt kèm theo. Theo cảm quan bên ngoài một sản phẩm, phóng viên thấy rằng đó là sữa bò dùng để uống. Tuy nhiên, sau một hồi trò chuyện với chủ cửa hàng mới biết đó là muối để tắm. Việc không đọc được nhãn có 100% chữ nước ngoài của sản phẩm khiến người tiêu dùng không biết được hướng dẫn sử dụng, công dụng, thành phần, nơi sản xuất, hạn sử dụng, đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối,…
Cũng tại cửa hàng Mỹ phẩm Sâm Pháp, phóng viên quan sát thấy một số mặt hàng nước hoa của nhiều thương hiệu đang được bày bán công khai tại đây. Cụ thể, nước hoa mang nhãn hiệu Versace Bright crystal có dung tích 30ml màu hồng có giá bán 1,4 triệu đồng chẵn, nước hoa nhãn hiệu Chanel, nước hoa Dubai cũng được chủ của hàng bán giá khá cao. Một số mặt hàng mỹ phẩm có nhãn 100% chữ Hàn Quốc như V7 BTONING LIGHT có giá 480 nghìn đồng, thuốc trị mụn RAIR 100% chữ Nhật Bản bán giá 200 nghìn đồng, kem Ppimplit Nhật Bản giá 220 nghìn đồng, viên uống nội tiết GAMMA EVENING Primrose oil gần 1 triệu đồng. Nhiều sản phẩm colagen của nước ngoài có mặt tại của hàng Sâm Pháp bằng con đường “xách tay theo thùng”. Ngoài những sản phẩm về hóa mỹ phẩm, tại Sâm Pháp còn bán thêm nhiều đồ nội y có nhãn chữ tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, có phụ kiện thời trang không hề có gắn theo nhãn mác, không có thông tin về sản phẩm.
Khi phóng viên hỏi về việc xuất hóa đơn GTGT cho một số sản phẩm thì người bán hàng cho biết: do là hàng xách tay lên không có hóa đơn thuế. Người bán hàng còn khẳng định: “chị cứ cam kết cho các em, hàng chuẩn 100%”.
Việc cam kết “hàng chuẩn” bằng miệng là cam kết không dựa trên bất cứ quy định pháp luật nào, quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ khi xảy tranh chấp.
Tại địa chỉ số 26 khu phố 3/2, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng là cửa hàng mang tên Thành Long Mart. Với vị trí đắc địa, nằm ngay mặt đường trục chính có mật độ người qua lại đông đúc, gần khu công nghiệp Tân Liên của thị trấn Vĩnh Bảo, Thành Long Mart là nơi được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm điểm mua sắm hàng ngày bởi sự đa dạng các mặt hàng, từ hàng nội địa đến hàng nhập khẩu đều có. Ngoài những sản phẩm do các đơn vị trong nước sản xuất thì tại Thành Long cũng có nhiều sản phẩm có 100% nhãn gốc chữ nước ngoài như: Bột ớt Hàn Quốc, dấm táo Hàn Quốc, xì dầu Trung Quốc, kẹo chuối, hát hướng dương, sô cô la... khi phóng viên ngỏ ý muốn xuất hóa đơn GTGT từ số hàng mình mua thì được nhân viên thành toán của Thành Long mart trả lời “nhà em chỉ có hóa đơn bán hàng”.
Nằm trong tuyến đường phân nhánh của thị trấn Vĩnh Bảo, cửa hàng mang tên Siêu thị Song Minh có địa chỉ tại số 9 phố Đồng Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng là nơi hội tụ hàng ngàn sản phẩm về tiêu dùng, phụ kiện trang trí gia đình, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, ba lô, túi xách, giày dép, xe đạp, hóa mỹ phẩm... và đặc biệt nơi đây phải nói là thế giới đồ chơi trẻ em. Các mặt hàng bán tại Song Minh có giá từ vài nghìn đồng cho đến trên cả triệu đồng. Không gian bán hàng của Song Minh khá lớn, theo người chủ cửa hàng tâm sự thì ông đã kinh doanh cửa hàng được gần 20 năm, các mối hàng đều do các xe chở hàng đến từ nhiều đơn vị chào hàng, việc xuất hóa đơn GTGT là không thực hiện được vì không có thuế.
Từ quan sát thực tế của phóng viên, hàng hóa tại cửa hàng Song Minh xuất hiện nhiều hàng “trắng thông tin” đó là: không tem nhãn, không có tên hàng hóa, không đơn vị sản xuất; hàng có 100% nhãn gốc là chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ đi kèm. Ngoài ra, tại Song Minh còn bày bán nhiều hàng mang thương hiệu: Chanel, Adidas, Nike, Gucci (mũ, ba lô, dép; phụ kiện thời trang...) phải nói các phụ kiện trang trí tại Song Minh vô cùng sặc sỡ, bắt mắt và đa dạng. Tuy nhiên, các sản phẩm đó đến từ đâu, đơn vị nào sản xuất, phân phối thì đến chính chủ của hàng Song Minh cũng không rõ. Những chiếc xe đạp đủ màu sắc, kích cỡ được xếp trên vỉa hè, ngay trước cửa kinh doanh cửa hàng Song Minh có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng cũng không biết đến từ đơn vị phân phối nào. Theo như chủ cửa hàng Song Minh chia sẻ thì các mặt hàng bày bán tại Song Minh nhiều năm nay vẫn vậy, các cơ quan chức năng có đi kiểm tra nhưng chủ cửa hàng lại chưa từng bị phạt, cũng không được ký cam kết về tuyên truyền nhắc nhở các quy định buôn bán kinh doanh hàng hóa.
Tại khoản 5, điều 1 sửa đổi, bổ sung điều 10 nghị định 43/2017/NĐ-CP đã quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Nghị định số 98/2020/N Đ-CP và khoản 7 Điều 3 nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/01/2022 quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, nếu vi phạm có thể phạt tiền lên đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm, giá trị hàng hóa vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm tại Điều này, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề để kinh doanh từ 01 đến 03 tháng. Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này. Buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thì mức phạt tại các nghị định sẽ tăng gấp đôi.
Tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền ở hữu trí tuệ.
Hàng năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở nhưng chưa xử phạt phải chăng chính là lý do khiến cơ sở kinh doanh “nhờn”. Để làm trong sạch thị trường hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sau khi hướng dẫn, nhắc nhở nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn tái phạm thiết nghĩ lực lượng chức năng cần phải có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng cần tăng cường, thường xuyên phổ biến kiến thức pháp luật về hàng hóa, việc lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ tem phụ đối với hàng 100% chữ nước ngoài và kiên quyết bài trừ hàng hóa hết “date”, kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình sẽ góp phần làm trong sạch thị trường hàng hóa hiện nay.
Mai Lương