Theo báo cáo của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính có 25.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó có 9.150 cơ sở sản xuất, chế biến, 5.550 cơ sở kinh doanh, 10.160 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo tổng hợp từ UBND các quận, huyện, số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố đến thời điểm hiện tại là 7.772 cơ sở. Đa số là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tuy nhiên cũng có một số cơ sở cung cấp với số lượng lớn lên đến hàng trăm suất ăn.
Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý thức ăn đường phố của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Các địa phương đã có sự quan tâm nhất định đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; có nhiều hoạt động tích cực trong những đợt cao điểm. Trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thức ăn đường phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thức ăn đường phố vẫn còn những hạn chế nhất định như: Chưa thực hiện đầy đủ việc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; tỷ lệ các cơ sở được tập huấn và kiểm tra hàng năm còn thấp; tỷ lệ xử phạt tại các cơ sở vi phạm là rất thấp….Đây là những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người mắc hoặc sự cố về thực phẩm hoặc thực phẩm không an toàn chưa tới mức gây ngộ độc nhưng ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ người sử dụng.
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung có liên quan nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.
TS. Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua. Đồng chí cũng đề nghị các điạ phương đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện quan tâm đến công tác kiện toàn Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm; rà soát lại quy chế làm việc, phân công phân cấp cụ thể. Duy trì nề nếp họp giao ban định kỳ để có những chỉ đạo kịp thời. Tham mưu cho chính quyền địa phương bố trí nguồn lực hợp lý phục vụ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác ATTP cũng như các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý đối với cơ sản xuất, kinh doanh nhỏ, thức ăn đường phố; kiên quyết không để cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp thực phẩm được hoạt động.
Đẩy mạnh công tác thông tin, phổ biến kiến thức ATTP, tuyên truyền đến các đối tượng là người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất chế biến, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về vai trò của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quỳnh Nga(t/h)