1- Hải Quan TP. Hồ Chí Minh đối thoại với 4 doanh nghiệp vận tải quá hàng quá cảnh tuyến Việt Nam- Campuchia
Hải quan TP. Hồ Chí Minh đối thoại với 04 doanh nghiệp vận tải quá hàng quá cảnh tuyến Việt Nam- Campuchia.

Liên quan đến việc khiếu nại, phản ánh của 04 doanh nghiệp (Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, Công ty TNHH Vận tải biển Gemadept, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng và Công ty cổ phần Tân Cảng Cypress) kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam - Campuchia về kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, ngày 05/12, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi đối thoại, tháo gỡ vướng mắc với 04 doanh nghiệp này.

Theo nội dung công văn khiếu nại được công bố tại buổi đối thoại, doanh nghiệp cho rằng, công chức hải quan khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container, mặc dù hàng hóa đồng nhất có thể nhìn thấy hàng hóa; không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong, kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần…

Việc kiểm tra 01 container trong một tờ khai nhưng lại giữ lại toàn bộ các container trong tờ khai đó, dẫn đến 30-50 container cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành kiểm hóa. Thời gian từ lúc container bị tạm dừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải sau 03 ngày đến 10 ngày mới gửi cho người khai hải quan…

2- Hải Quan TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại đối với hàng quá cảnh
Hải quan TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại đối với hàng quá cảnh.

Về những khiếu nại này, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I khẳng định, Chi cục căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên để dừng thông quan nhằm kiểm tra thực tế hàng hóa. ‘‘Tất cả đều làm theo đúng quy định’’- ông Long khẳng định.

Ông Long cho biết thêm, những khiếu nại, phản ánh này cần phải xem lại, bởi nhiều nội dung không đúng thực tế, thậm chí là không có căn cứ. Trong quá trình làm việc, các doanh nghiệp này chưa hề có khiếu nại nào đến cơ quan hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Qua rà soát dữ liệu, các doanh nghiệp này cũng chưa thực hiện dừng thông quan tờ khai nào có số lượng container vượt quá 30 container như nội dung phản ánh… Doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định và có hành vi vi phạm trong việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh thì bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định hướng dẫn của Chính phủ…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, việc kiểm tra hồ sơ, hay hàng hóa doanh nghiệp của cơ quan hải quan đều có thể hiện trong dữ liệu điện tử. Doanh nghiệp mất thời gian trong thông quan chủ yếu do chỉ chuyên về kinh doanh vận tải, chưa nắm rõ về thủ tục xuất nhập khẩu, nên khi bị cơ quan hải quan kiểm tra thì xuất trình hồ sơ không đủ, hoặc phải chờ xin ý kiến chủ hàng.

Còn về kiểm tra chuyên ngành, bất kỳ hàng hóa nào vận chuyển trong nước, hoặc quá cảnh đều phải kiểm tra. Đây là trách nhiệm đối với quốc gia. Do vậy, doanh nghiệp cần thay đổi cách làm việc, phải chủ động. Doanh nghiệp đã ký quy chế phối hợp với cơ quan Hải quan thì nên phát huy quy chế, trên tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của doanh nghiệp.

‘‘Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp làm tốt thông quan hàng hóa, nhưng cũng sẽ mạnh dạn đấu tranh, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp cố tình làm sai, gian lận thương mại, trốn thuế... nhất là vào thời điểm cuối năm. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng quá cảnh cần nắm bắt thông tin rõ hơn để tránh bị mất thời gian. Còn đối với các công chức bị khiếu nại, phản ánh, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành xác mịnh rõ và công khai kết luận nhằm bảo vệ danh dự công chức Hải quan…’’ - ông Nghiệp nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, dữ liệu thống kê trong các năm qua cho thấy, 04 doanh nghiệp khiếu nại về kiểm tra thực tế hàng quá cảnh trên đều là doanh nghiệp trọng điểm, thường xuyên bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ, quá cảnh hàng hóa thuộc diện kiểm dịch mà không có giấy phép kiểm dịch. Tỷ lệ vi phạm trong năm 2022 của các doanh nghiệp này rất cao, trong khoảng từ 47% đến 56%, tức là cứ 02 container hàng quá cảnh bị kiểm tra thì có 01 container vi phạm.

Vũ Lê