Dù còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ 2014, nhưng các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã sớm khởi động các kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, chuẩn bị cho người dân đón Tết.
Sản lượng tăng 25 – 30%
Để chuẩn bị cho cuối năm và Tết Giáp Ngọ 2014, dự kiến mãi lực, giá bán trong các chương trình bình ổn không tăng, nhưng lượng hàng sẽ tăng khoảng 25 - 30% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Đăng Hiến, Giám đốc Công ty nước giải khát Bidrico cho biết: “Từ ngày 1/10, công ty sẽ bắt đầu chương trình sản xuất hàng hóa phục vụ Tết, sản lượng năm nay sẽ cao hơn 25 - 30% so với năm ngoái. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Bidrico nỗ lực không tăng giá các sản phẩm phục vụ Tết”.
Theo đại diện Công ty cổ phần Bibica, năm nay chi phí đầu vào tăng nhẹ so với năm ngoái khoảng 5 - 10%, nhưng giá sản phẩm sẽ không tăng nhiều, bình quân không quá 5%. Ngoài bánh kẹo, nước uống, thực phẩm phục vụ cho Tết cũng được chuẩn bị dồi dào.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan chia sẻ, hiện hàng dự trữ cho Tết tại công ty đã được 80% nên người tiêu dùng có thể yên tâm không lo thiếu hàng. Năm nay sản lượng sản xuất sẽ tăng 20% so với năm ngoái, nhưng giá cả các mặt hàng sẽ không tăng theo thị trường.
Một số hệ thống siêu thị cũng đã có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng phân phối vào dịp Tết và dự kiến tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá nhiều mặt hàng vào những ngày cận Tết. Đơn cử, Saigon Co.op cho biết, đã có kế hoạch chuẩn bị 46.000 tấn hàng hóa bình ổn trị giá khoảng 3.900 tỷ đồng để phục vụ Tết.
Đánh giá chung về tình hình Tết năm nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, sức mua không tăng mạnh (chỉ khoảng 10 - 15%). Việc các doanh nghiệp tăng sản lượng là do doanh nghiệp mở rộng thị phần và sản xuất thêm những sản phẩm cao cấp mới để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, giá cả dự kiến sẽ thấp hơn 20% so với hàng ngoại nhập.
Không để thiếu hàng, sốt giá
Nhằm hỗ trợ người dân đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Theo đó, chỉ thị đặt ra yêu cầu hàng đầu là công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Chỉ thị yêu cầu các sở tài chính, công thương, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, quận, huyện theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn, như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại... Mặt khác, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến bất hợp lý.
Với Hà Nội, ngoài việc yêu cầu các Sở, ngành chức năng có liên quan đến các hoạt động của thị trường phải giám sát để có biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp không thực hiện kê khai giá; Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng yêu cầu duy trì thường xuyên biện pháp khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm; chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.
Tại TP. Hồ Chí Minh, việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 cũng đã được vận hành. Theo Sở Công Thương, tính đến hết tháng 6/2013, tổng số điểm bán của chương trình bình ổn đã triển khai là 7.412 điểm, tăng 3.410 điểm so với năm 2012 và 7.168 điểm so với năm đầu tiên triển khai 2008.
Hoan Nguyễn