Kèm theo đó cơ quan chức năng đã tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn của 03 cơ sở và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn 4,5 tháng 01 cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện không đúng quy định; Đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc 36 cơ sở.

Cũng theo đó từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019, Bộ Y tế thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền của một số cơ quan, đơn vị.

Hàng dược, mỹ phẩm giả, kém chất lượng ngày càng “lộng hành” - Hình 1

Nhiều hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đã đến tay người tiêu dùng

Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn từ 01/01/2017 đến 29/6/2018, các đơn vị trong ngành y tế đã kiểm tra, giám sát 44.826 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó có 946 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 417 mẫu bị đình chỉ lưu hành và thu hồi, 903 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 27 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 983.750.000 đồng.

Có thể nói tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng sản phẩm hết hạn, sản phẩm không có tem, nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó chứa nguy cơ tiềm ẩn khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Hàng giả, kém chất lượng… ‘tấn công’ NTD trên mạng xã hội

Nhiều thương nhân kinh doanh mỹ phẩm, sản phẩm thực phẩm sức khỏe không đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý, sử dụng nhà ở làm địa điểm kinh doanh, mua hàng từ các thương nhân khác để bán lại, sau đó dùng mạng xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm.

Hàng dược, mỹ phẩm giả, kém chất lượng ngày càng “lộng hành” - Hình 2

Hiện nay mạng internet, mạng xã hội bùng nổ vì thế hoạt động kinh doanh quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội quá nhiều, người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm… một cách dễ dàng. Nhưng đó cũng chính là kẻ hở để người bán tuồn hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng, còn lực lượng chức năng thì khó kiểm soát.

"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhưng phải tăng cường thanh kiểm tra theo chỉ thị 17 của Chính phủ để kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền" – ông Nguyễn Thanh Phong -  Cục trưởng Cục ATTP thông tin tới báo chí.

Việc kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, TPCN; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục những sơ hở, bất cập và nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm…

Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các địa phương đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm. Các đơn vị này cũng cần phối hợp với Ban chỉ đạo 389 của địa phương và các cơ quan chức năng công an, quản lý thị trường, hải quan tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc, mỹ phẩm, TPCN giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép sản xuất, lưu hành. Xử lý nghiêm theo quy định tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, TPCN không phép...

Trang Nguyễn