Còn nguyên tem nhãn!?

Theo phản ánh của anh T.A (KĐT Tây Nam Linh Đàm, Hà Nội) tới báo Thương hiệu & Công luận cho biết, gia đình anh nhiều năm nay luôn sử dụng nước uống của lavie và để tiện sử dụng anh luôn mua bình nước lavie cỡ 19L để dự trữ trong nhà dùng dần.

Tuy nhiên, sau chuyến công tác gần đây nhất, khi trở về nhà, anh đã “sốc” khi phát hiện, một trong số những bình Lavie có dung tích 19L gia đình anh đang dùng để pha sữa cho con xuất hiện rêu xanh dưới đáy bình. Đặc biệt, màu xanh của rêu trong bình nước càng ngày càng đậm và nhiều hơn, mặc dù, bình nước vẫn nguyên tem nhãn, được đặt nơi khô ráo và chưa hề bóc nhãn ra sử dụng.

Cần làm rõ bình nước Lavie mọc rêu xanh? - Hình 1

Người thanh niên xưng là đại diện của công ty Lavie xuống nhà anh T.A để ghi nhận sự việc và kiểm tra bình nước nghi có rêu xanh xuất hiện trong bình nước 19L

Anh T.A cho biết: “Tôi mua nước từ hồi tháng 8/2018, đến khoảng ngày 15/9, sau khi đi công tác về thì phát hiện toàn bộ bình nước ngả sang một màu khác. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, tôi đã gọi lên tổng đài Lavie và sau đó, đơn vị này đã nhiều lần cử nhân viên xuống ghi nhận sự việc. Lần đầu tiên thì có hai người tự xưng là nhân viên của bên công ty nước Lavie đến (nhưng không có giấy giới thiệu, card visit hay giấy tờ gì) đến chụp ảnh, quay phim sản phẩm và có lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản có ghi rõ, tình trạng bình Lavie “còn mới nguyên, trong bình nước còn mới, có rêu”. Tôi cũng đề nghị trong biên bản là cần làm rõ vấn đề rêu có từ đâu, từ nguồn nước hay từ bình, hay từ khâu vệ sinh chưa sạch sẽ.

Cần làm rõ bình nước Lavie mọc rêu xanh? - Hình 2

Cần làm rõ bình nước Lavie mọc rêu xanh? - Hình 3

Cần làm rõ bình nước Lavie mọc rêu xanh? - Hình 4

Bình nước Lavie 19L dù còn nguyên tem, nhãn nhưng có dấu hiệu rêu xanh phủ dưới đáy bình

Còn những lần làm việc sau đó thì đại diện Lavie liên tục đề nghị thu hồi sản phẩm để kiểm định, nhưng gia đình tôi hoàn toàn không đồng ý, tôi cũng thẳng thắn, nếu muốn thu hồi để kiểm định bằng phương pháp khoa học thì phải có bên thứ 3 làm chứng, việc chỉ định đơn vị kiểm định là độc lập, không do bên nào chỉ định. Tuy nhiên, đến ngày 21/10/2018 thì phía bên công ty Lavie không hề có động thái nào để tiến hành như gia đình tôi đề nghị”.

Cũng theo anh T.A, thời điểm mua thì bình nước không có biểu hiện gì, gia đình anh cũng để bình nước ở nơi khô ráo trong nhà. Khi những người xưng là đại diện bên công ty Lavie đến nhà có đề nghị đổi cho gia đình 1 bình nước có dung tích tương tự và tặng thêm cho gia đình 10 chai Lavie nhỏ nhưng anh từ chối.

Lý giải cho việc này, anh T.A nói: "Tôi thấy cách xử lý của Lavie rất thiếu trách nhiệm, tôi không đồng ý với cách xử lý này, gia đình tôi không yêu cầu bồi thường gì trong sự việc lần này nhưng nếu có bồi thường thì phía Lavie cũng phải đưa sự việc ra trước công luận. Đến bây giờ thì tôi “quay lưng” với nhãn hàng này, điều mà gia đình tôi thấy sai lầm nhất là đã tin tưởng và dùng nước Lavie để pha sữa cho con”.

“Trong những lần làm việc tiếp theo, nhân viên của hãng nước này liên tục tác động mạnh vào bình nước. Thậm chí, trong thời gian tôi đi công tác, chỉ có mẹ tôi ở nhà, nhân viên của Lavie cũng tới nhà và đã tự ý ghi thêm vào biên bản làm việc là “có phát hiện vết nứt nhỏ dưới đáy bình sản phẩm bị nhiễm rêu. Vì vậy, tôi nghi ngờ việc nhân viên hãng nước này liên tục đến nhà tôi không đơn thuần chỉ là kiểm tra sản phẩm” anh T.A cho biết.

Cần làm rõ bình nước Lavie mọc rêu xanh? - Hình 5

Nội dung biên bản ghi nhận sự việc của Lavie và dòng chữ "bất thường" phía dưới cùng biên bản, mà anh T.A bất ngờ phát hiện sau chuyến công tác dài ngày. 

Có mặt tại nhà của anh T.A, theo quan sát của PV, bằng mắt thường có thể thấy bình nước 19L của Lavie được sản xuất vào ngày 18/06/2017, hạn sử dụng ngày 01/03/2019 vẫn còn nguyên tem mác và chưa được đưa vào sửa dụng, phía bên trong bình nước có rất nhiều mảng màu xanh, khách hàng nghi ngờ đây là mảng rêu xanh. Các vùng xanh chủ yếu ở đáy bình.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với Công ty TNHH Lavie để tìm hiểu sự việc nêu trên. Trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Uyên Phương, đại diện truyền thông của công ty Lavie cho hay: “sẽ trả lời lại với báo chí sau”.

Cần làm rõ bình nước Lavie mọc rêu xanh? - Hình 6

Văn bản trả lời về sự việc từ phía công ty Lavie tới báo Thương hiệu & Công luận vào ngày 22/10/2018

Đã phát hiện “vật thể lạ” trước đó

Trước đó, theo tìm hiểu riêng của PV, nhãn hàng nước Lavie này cũng đã có nhiều lần để xảy ra sự cố về vật thể lạ xuất hiện trong chai. Cụ thể vào năm 2010, chị Lê Thị Lan - nhân viên Chi nhánh Công ty CP Phú Toàn Thắng (Công ty Phú Toàn Thắng, trụ sở tại số 1, ngõ 7, Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội) có mua 4 bình nước loại 19 lít của lavie, hai chai đầu được các nhân viên công ty uống khá nhanh và không có gì lạ. Tuy nhiên, ngày 16/7/2010, khi đang sử dụng đến chai thứ 3, chị Lan phát hiện thấy cốc nước vừa rót trong chai ra có màu xám và mùi vị khác thường. Quan sát bên trong chai, chị Lan giật mình khi phát hiện khá nhiều “sinh vật lạ”, giống như rêu, tảo lơ lửng trong chai có màu xanh cốm. Bên trong thành chai, nhiều đám rêu bám loang lổ, nước trong chai sủi bọt như nước thải. Không chỉ có chai nước đang sử dụng, ngay cả chai nước thứ 4 chưa sử dụng, còn nguyên niêm phong cũng có rêu mọc bám kín đáy chai.

Tương tự là trường hợp của bác sĩ P.Đ.T (công tác tại Bệnh viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tối ngày 28/9/2014, anh T. lên xe đi đến bệnh viện trực. Trên đường đi, anh T. lấy chai nước vẫn để ở xe ô tô ra uống. Tuy nhiên, vừa uống xong anh thấy nước nhớt nhớt, cảm giác có vị lạ. Cầm chai nước soi lên ánh điện, anh phát hiện có vật thể lạ lập lờ trong chai nước. Ngay sau đó, anh cầm chai nước ra khỏi xe ô tô mang về phòng làm việc trong bệnh viện và nhìn rõ bên trong là lớp rêu xanh đang nổi lập lờ trong chai nước anh đã uống.

Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây, nhãn hàng nước uống đóng chai Lavie để xảy ra những sự việc đáng tiếc, nguyên nhân là do đâu?

LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (Luật số 59/2010/QH12 của Quốc hội):

Theo chương II, điều 22 về Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật có quy định rõ: Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:

2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:

a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi;

b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;

c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;

d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; đ) Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;

Đề nghị nhà sản xuất và các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sự việc bảo vệ người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Hoàng An