Tràn lan hàng giả, hàng nhái
Ngày 23/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội đã triệt phá cơ sở sang chiết, giả mạo xuất xứ rượu nước ngoài tại phường Phúc La, quận Hà Đông do Tạ Tiền Mỹ làm chủ. Chủ cơ sở khai nhận, dùng rượu Black Lào để chiết sang các bình rượu hình linh vật khác nhau bởi đây đang là mặt hàng được nhiều người tìm mua trong dịp Tết.
Không chỉ rượu mới bị làm giả, mặt hàng bánh kẹo cũng trong tình trạng tương tự. Ngày 5/1, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT TP Hà Nội) kiểm tra Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang, có trụ sở tại đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức phát hiện công ty này đang "gia hạn sử dụng" 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu "Torku" do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, hết hạn sử dụng từ tháng 2/2020. Đội trưởng Đội QLTT số 24 Nguyễn Huy Cường cho biết: Hầu hết các loại bánh, kẹo lưu trữ tại kho là hàng nước ngoài, sản xuất đã hết hạn sử dụng. Để lừa đảo người tiêu dùng, Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang đã vứt bỏ vỏ hộp ghi hạn sử dụng cũ, để chuyển sang bao bì mới với hạn sử dụng dài hơn được in lại từ máy dập date.
Sáng 8/1/2021, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện 847 kg sản phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ (không có tem nhãn, thông tin sản phẩm theo quy định), cụ thể: Hành sấy khô là 80kg x 25.000đ/kg = 2.000.000đ; thịt lợn sấy khô: 200kg x 80.000đ/kg = 16.000.000đ; thịt sấy cháy tỏi: 150kg (5 tải x6 thùng/tải x5kg/thùng) x 80.000đ/kg = 12.000.000đ; bánh tráng tẩm: 40kg x 20.000đ/kg = 800.000đ; ruốc: 70kg x 50.000đ/kg = 3.500.000đ; đậu Hà Lan sấy: 10kg x 30.000đ/kg= 300.000đ; bánh tráng: 297kg x 15.000đ/kg = 4.455.000đ. Tổng giá trị lô hàng hóa vi phạm: 39.055.000đ (Đơn giá sản phẩm căn cứ theo Phiếu xuất kho cơ sở cung cấp). Đây đều là những sản phẩm chủ lực phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tăng chế tài xử phạt
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng chia sẻ: Mặc dù việc kiểm soát xử lý hàng giả trên thị trường truyền thống thời gian qua có những kết quả nhất định, nhưng các đối tượng rất tinh vi, liên tục thay đổi hành vi, thủ đoạn gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng. Cụ thể, trong thời gian gần đây xuất hiện thêm hình thức trang cá nhân như facebook hay zalo… bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà không đăng ký với cơ quan chức năng. Đặc biệt, có một thực trạng là hàng giả, hàng nhái được chính người tiêu dùng và DN có hàng hóa bị làm giả bỏ qua. Trong khi các chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận do việc gian lận thương mại mang lại.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nêu rõ: Nhiều người biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, hay nhiều DN biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng lại ngại đấu tranh.
Từ thực tế đó, ông Dục kiến nghị: “Thời gian tới, cơ quan lập pháp cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật để tăng mức xử lý vi phạm, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đưa ra xử lý hình sự qua đó răn đe, giáo dục những đối tượng cố tình vi phạm”.
Các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện đầy rẫy ở khắp nơi cũng như có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Để góp phần hạn chế tình trạng hàng nhái, hàng giả, song song với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ quyền lợi chính mình bằng cách cảnh giác và tẩy chay các mặt hàng "dỏm", đồng thời tố giác với lực lượng chức năng.
Linh Tuệ