Hàng hoá nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt
Trước đó, trong bài viết: Hàng hoá nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt bày bán tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé Ếch Cốm tại Hà Nội, phóng viên đã phản ánh thực trạng bày bán hàng hoá tại hệ thống đồ mẹ và bé Ếch Cốm.
Tại đây đang bày bán các loại hàng hoá, sản phẩm thuộc các danh mục các loại máy móc phục vụ mẹ bầu và em bé, đồ sơ sinh, sữa và thực phẩm, đồ dùng ăn uống, xe – đai – địu, giường – nôi – cũi – tủ, giặt xả và tắm gội, bĩm tã và đồ vệ sinh cá nhân, vitamin và mỹ phẩm cho bé, thời trang, đồ phụ kiện cho bé, đồ sơ sinh… đúng quy định về tem nhãn, nguồn gốc.
Tuy nhiên, tại đây cũng có nhiều sản phẩm là hàng nhập khẩu lại không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Các sản phẩm có nhãn gốc tiếng nước ngoài như: Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Thái Lan… và đề “trắng” thông tin Tiếng Việt dù được bày bán tại cửa hàng.
Ngày 27/2/2023, phóng viên đã “mục sở thị” tại cửa hàng Ếch Cốm số 322 Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm, Hà Nội và ghi nhận những mặt hàng nhập khẩu nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt được bày bán công khai, như bình sữa, vitamin cho bé, mẹ bầu, đồ ăn dặm, sữa tắm, nước rửa bình sữa, kem bôi da…
Tiếp đó, phóng viên “mục sở thị” tại cửa hàng Ếch Cốm số 59 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, và cũng nhận thấy tình trạng tương tự. Các mặt hàng như bỉm, sữa, đồ ăn dặm, bình sữa, sữa tắm… cho bé 100% chữ nước ngoài mà không có bất cứ thông tin Tiếng Việt.
Trong khi đó, pháp luật cũng đã quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác (nhãn gốc và nhãn phụ) sản phẩm đối với từng đối tượng cụ thể tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP. Trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ: Ngôn ngữ bắt buộc của nhãn phụ là Tiếng Việt; các trường hợp bắt buộc phải có nhãn phụ là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam: Trong đó bao gồm các hàng hóa mà nhãn gốc chưa thể hiện đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có nhãn gốc sử dụng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Quản lý Ếch Cốm “từ chối” gặp báo chí
Theo tìm hiểu, thương hiệu đồ sơ sinh Ếch Cốm ra đời năm 2016. Quảng cáo trên trang facebook của mình, hệ thống cửa hàng mẹ và bé Ếch Cốm có tới 16 cơ sở trên cả nước như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, TP.HCM. Trong đó, tại Hà Nội có tới 12 cơ sở.
Một thương hiệu bán đồ mẹ và bé có tới 16 cơ sở trên toàn quốc, thế nhưng lại đang khiến nhiều khách hàng khó khăn tiếp cận thông tin khi mua những sản phẩm nước ngoài mà không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng… trong khi đây là những mặt hàng dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và mẹ bầu, những đối tượng rất nhạy cảm.
Để có thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ tới hệ thống cửa hàng bán đồ mẹ và bé Ếch Cốm. Tiếp nhận thông tin là chị Khánh, quản lý cửa hàng. Chị Khánh cho biết: “Bọn em toàn hàng nhập khẩu chính ngạch hết. Em chẳng biết nói gì cả. Em không gặp được đâu, em bận lắm…”.
Trong khi, “mục sở thị” tận nơi, Ếch Cốm vẫn bày bán những sản phẩm hàng hoá nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt. Khi phóng viên hỏi về núm ti cho bé hiệu Pigeon, theo nhân viên tư vấn của Ếch Cốm nói có 2 loại, 1 loại gồm 2 chiếc giá 170.000 đồng và 1 loại gồm 1 chiếc giá 109.000 đồng, phóng viên hỏi về sự khác nhau này và nhân viên tại đây cho biết: “Hàng 109.000 đồng là hàng nội địa, hàng xách tay, còn loại kia là hàng nhập khẩu công ty”.
Trước thực trạng về thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt số lượng lớn và hàng hoá chưa rõ nguồn gốc xuất xứ tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé Ếch Cốm, phóng viên đã gửi thông tin tới Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các cơ quan ban ngành chức năng liên quan… để phối hợp kiểm tra xác minh, xử lý để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trúc Mai