THCL Thực tế, có nhiều vụ vi phạm trọng điểm về ma túy, buôn lậu tiền, ngoại tệ, kim loại quý, động vật hoang dã, khoáng sản, thuốc lá, rượu, thực phẩm chức năng, phế liệu, phân bón, dụng cụ y tế đã qua sử dụng...
Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng kém chất lượng
Vi phạm ngày càng gia tăng
Theo Tổng cục Hải quan, từ 16/10 - 15/11/2016, toàn ngành đã bắt giữ 596 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16,5 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 11 tỷ đồng; khởi tố 5 vụ án hình sự; chuyển cơ quan khác khởi tố 02 vụ.
Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, tính đến đầu tháng 11, cơ quan này đã kiểm tra 145.000 vụ và phát hiện 88.000 vụ vi phạm, số tiền xử phạt, thu về cho NSNN 523 tỷ đồng. Trong đó, riêng về ATVSTP, kiểm tra xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng.
Với mặt hàng phân bón, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra và xử lý 1.522 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng; tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng và 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại.
Ngoài ra, còn có tới 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng; 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu; 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu; buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng và 15,7 tấn phân bón các loại.
Cục QLTT cũng tập trung kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm về thuốc BVTV, xử phạt hành chính trên 1,54 tỷ đồng. Phức tạp nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá. Thời gian qua, đã phát hiện, xử lý 4.859 vụ; trong đó, vi phạm về vận chuyển 1.143 vụ; vi phạm về kinh doanh 3.718 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 25,74 tỷ đồng; tịch thu trên 966.000 bao thuốc lá các loại; thu giữ 759 phương tiện và chuyển cho cơ quan điều tra 103 vụ.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng vẫn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình biên giới phức tạp, lực lượng quản lý còn mỏng nên tình trạng buôn lậu vẫn chưa hề suy giảm. Đặc biệt, còn một số cán bộ, công chức không tích cực đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng…
Dù các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý quyết liệt, các chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhiều vụ việc đã bị truy tố hình sự…; nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm. Cùng đó, các vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng là khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Triển khai kế hoạch kiểm tra cao điểm
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục QLTT, Bộ Công thương đang xây dựng Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2017, trong đó chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước triển khai một số giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường; đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết…
Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, các mặt hàng thiết yếu như bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm, đồ gia dụng…
Tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Trong thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn; các TTTM, siêu thị, nhà ga, bến xe, nơi phát luồng hàng hóa, các điểm thường xảy ra việc tập kết, trung chuyển hàng lậu, hàng cấm…
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại…
Để làm tốt công tác này, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm bổ sung thêm biên chế, kinh phí, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho lực lượng QLTT để có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ giao…
Tuấn Ngọc