Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng nghìn điếu xì gà, hay “kho” súng được vận chuyển thông qua con đường CPN... Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng khám phá, thu giữ, việc xử lý những người có trách nhiệm vẫn còn chậm trễ.
Ngày 20/4/2018, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Tổng Cục Hải quan, Viện Khoa học hình sự, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội và Trung tâm khai thác EMS quốc tế Nội Bài, Công ty cổ phần CPN Bưu điện, tổ chức khám xét, mở niêm phong kiện hàng nhập khẩu từ Hà Lan, Bỉ về Việt Nam theo đường CPN. Kiện hàng này có tổng khối lượng 12,83kg vận chuyển từ Hà Lan qua Bỉ về Việt Nam theo đường CPN, có vận đơn mang số EA 139268691 BE. 7.2.2018, Bỉ. Người gửi: XIN YI Tonggan (địa chỉ tại Bỉ). Người nhận Hoàng Thị Nghĩa (Lê Chân, Hải Phòng). Quá trình soi chiếu, tiến hành mở kiểm tra trực tiếp, bên trong kiện hành lý gồm có các hộp bánh, kẹo và 5 túi cafe cỡ lớn màu tím. Kết quả mở các túi cafe này, bên trong là hàng nghìn viên nén (26.860 viên) màu hồng hình trái tim, là ma túy tổng hợp, có tổng trọng lượng hơn 9,35 kg.
Mới đây nhất, ngày 11/9/2018, Phòng CSHS, CATP Hà Nội qua thông tin trình báo của người bị hại, đã phát hiện một kiện hàng thông qua đường CPN, bên trong chứa một khẩu súng ngắn…
Sau khi phát hiện, công ty CPN đã trình báo sự việc đến Phòng CSHS, CATP Hà Nội. Quá trình kiểm tra, đã phát hiện và thu giữ hàng chục khẩu súng ngắn đồ chơi dạng súng K54, AK, các loại đạn; đồng thời xác định chủ sở hữu của lô hàng là Dương Mạnh Hùng (SN 1989, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Dù những hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm, hàng lậu nhưng vẫn dễ dàng được nhân viên CPN tiếp nhận
Theo thống kê, hiện Việt Nam có gần 300 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính ở Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, lợi dụng việc thiếu kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật thông qua đường CPN.
Điều đáng lo ngại, ngoài hàng lậu thông thường thì nhiều đối tượng tượng còn lợi dụng dịch vụ CPN để buôn lậu, vận chuyển vũ khí với thủ đoạn rất tinh vi như chia nhỏ từng bộ phận của súng, gửi thành nhiều lần để chuyển hàng cho người có nhu cầu một cách kín đáo, vừa dễ qua mắt nhân viên CPN bưu điện lại vừa an toàn.
Một điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội nhận định, việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm thông qua đường CPN có chi phí rẻ, thời gian giao nhận hàng nhanh và an toàn. Bên cạnh đó, giá thành của dịch vụ này thường phụ thuộc vào trọng lượng và kích thước của các loại hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, thư tín...
Chính vì thế, dịch vụ CPN - EMS đang trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng phạm tội lợi dụng, hướng tới. Đây cũng là một trong những lỗ hổng trong dịch vụ CPN bằng đường bưu điện, mặc dù pháp luật có quy định rất rõ nhưng vẫn bị xem thường.
Luật sư Vũ Quang Vượng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, tại Điều 12, Luật Bưu chính quy định vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính, nhưng thực tế tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng cấm vẫn diễn ra phức tạp.
Lợi dụng sự dễ dãi trong khâu tiếp nhận của nhân viên CPN, nên không chỉ hàng lậu thông thường mà những mặt hàng như súng, đạn... cũng được các đối tượng phạm tội nhắm đến để vận chuyển, mua, bán
Cụ thể, hàng cấm gồm các bưu kiện gửi có nội dung gây kích động, mất an ninh; bưu kiện chứa văn hóa phẩm trái với đạo đức xã hội như sách báo, tài liệu văn hoá phẩm. Ngoài ra, còn có các bưu phẩm chứa vũ khí, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma tuý...
“Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận hàng hóa, nhân viên bưu cục CPN vẫn phớt lờ quy định, cho qua. Dù thực tế, những phi vụ hàng lậu, hàng cấm sau đó đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bóc gỡ cho thấy, những mặt hàng dễ bị phát hiện và các nhân viên bưu điện chắc chắn biết rằng đó là mặt hàng cấm nhưng vẫn dễ dàng lọt qua việc thẩm định của các nhân viên bưu cục. Do vậy, việc quy trách nhiệm là điều không hề khó mà quan trọng là nhà trức trách phải mạnh tay xử lý và xử lý từ cái gốc của vấn đề”, luật sư Vũ Quang Vượng dẫn chứng.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng các đơn vị, công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng, CPN, giao hàng tiết kiệm khi nhận hàng hóa ký gửi, cần tuân thủ những quy định tại Điều 12, Luật Bưu chính 2010.
Cụ thể Điều 12, luật này quy định về những vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính, gồm có: "1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông; 2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu; 3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu; 4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
Ngoài ra, tại Điều 7 Luật này cũng nêu rõ các đơn vị, công ty cung cấp dịch vụ chuyển hàng, CPN, giao hàng tiết kiệm không được gửi, nhận, vận chuyển các loại hàng hóa cùng các hành vi bị cấm. Thế nhưng, nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn xảy ra cho thấy, việc xem nhẹ quy định của pháp luật cần phải được xử lý nghiêm và xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Hằng Vương (t/h)