TP.HCM, Bình Dương là những nơi hoạt động kinh tế sôi động nhất nước, song tỷ lệ doanh nghiệp (DN) thất nghiệp, rơi vào nguy cơ phá sản khá lớn.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2020, ông Nguyễn Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, kết quả khảo sát trên 16.300 (chiếm gần 12% tổng số DN đang hoạt động) cho thấy, có đến 85,4% số DN cho biết chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, DN càng lớn, kinh doanh nhiều ngành nghề càng bị tác động do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất như dệt may, giày da…
Trong giai đoạn dịch Covid-19, DN phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn như: Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng. 49,45% số DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp; 15,3% cho rằng hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước và có đến 42,4% DN không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 2.015 DN, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 7.257 DN tạm ngưng hoạt động, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 3/6, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM đã thực hiện việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 213 DN với gần 19.000 lao động. Tổng số tiền BHXH xấp xỉ 74 tỷ đồng. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, BHXH vẫn đang tiếp tục nhận và trả kết quả hồ sơ trực tiếp của DN, nhằm đảm bảo kịp thời việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động theo quy định của Chính phủ và UBND TP.HCM. Đã có 2.067 đơn vị gửi danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với trên 209.000 người. BHXH TP.HCM đã xác nhận hồ sơ với gần 43.000 lao động đủ điều kiện tạm dừng đóng BHXH.
Báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM, tính đến nay, các cấp công đoàn thành phố đã chăm lo 18.069 đoàn viên với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng; vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho thuê 57.606 phòng trọ, miễn thu tiền 200 phòng; chăm lo 742 đoàn viên thuộc các nghiệp đoàn nhóm trẻ tư thục với tổng số tiền 890 triệu đồng; hỗ trợ 7.000 suất ăn cho công nhân.
Tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 5, Bình Dương có 280 doanh nghiệp ngừng hoạt động với gần 144.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó số bị chấm dứt hợp đồng lao động gần 11.150 người; số lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 50.000 người, số lao động phải giảm giờ làm việc gần 83.000 người.
PV