Trong số 46 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, có 19 doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội, 10 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, còn lại là các doanh nghiệp có trụ sở tại Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam…
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đa số các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là do doanh nghiệp thay đổi quy mô hoạt động, không có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là do thay đổi quy mô hoạt động, không có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, một số doanh nghiệp bị thu thu hồi giấy phép do đã vi phạm các quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của người lao động; không làm thủ tục cấp đổi giấy phép; đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định; doanh nghiệp bị xử phạt nhiều lần…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mặc dù bị thu hồi giấy phép nhưng theo luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng còn hiệu lực.
Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài, số lượng người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.
PV