“Không phải hợp đồng thật”?

Chị Hương cho biết: Ngày 19/3/2016, chị ký “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài” với công ty. Theo hợp đồng, chị Hương làm việc tại Đài Loan thời hạn 3 năm, công việc là sản xuất trong công xưởng. Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh, chị Hương không được đến công xưởng làm việc, mà bị đưa đến một gia đình để làm giúp việc.

Làm việc khoảng 10 tháng, đến ngày 22/2/2017, phía môi giới Đài Loan đề nghị chị về nước và cho biết, vì việc công xưởng không có, hơn nữa chị đã 40 tuổi không được làm công xưởng, nếu muốn chuyển sang làm giúp việc tiếp thì phải nộp thêm 2.000 USD. Nhiều lần thỏa thuận không được, chị Hương phải về nước trước thời hạn.

Sau buổi trao đổi với chị Hương, PV đề nghị làm việc với công ty, ông Ngô Văn Lực, Phó TGĐ gửi văn bản trả lời và khẳng định: “Lao động Hương sang Đài Loan làm việc tại công xưởng, chứ không phải làm giúp việc gia đình. Chị đã lấy cắp đồ của lao động khác nên các bên xảy ra mâu thuẫn, việc này đã được Trung tâm Dịch vụ tư vấn lao động - Phòng Lao động thành phố Tân Bắc mời đến hoà giải…”.

Nhận thấy, cùng một sự việc, hai bên lại có giải trình trái ngược nhau. PV đã đề nghị làm việc trực tiếp với cả hai bên, tại buổi làm việc, hai bên đều khẳng định những lời nói của mình là đúng (?!).

Công ty CP Thủy sản khu vực 1: Vi phạm hoạt động xuất khẩu lao động - Hình 1

Tấm hình ông Lực đưa ra chứng minh chị Hương lấy cắp đồ

Công ty CP Thủy sản khu vực 1: Vi phạm hoạt động xuất khẩu lao động - Hình 2

Chị Trần Thị Hương

Khi hỏi “dựa vào căn cứ nào mà ông khẳng định, chị Hương lấy cắp đồ của lao động khác?”, ông lực đưa ra một tấm hình chụp hai lao động, giải thích đây là tấm hình chứng minh lao động lấy cắp đồ. Lập tức, chị Hương phản ứng quyết liệt, người trong tấm ảnh này không phải là chị, PV cũng nhận thấy người trong hình không giống chị Hương.

PV hỏi tiếp: Khi tiếp nhận thông tin từ Đài Loan, tại sao công ty không mời lao động đến để tìm hiểu và xác minh, lại gửi văn bản cho PV và khẳng định, những lời nói của lao động không trung thực, còn đổ lỗi cho lao động ăn cắp đồ? Lúc đó, ông Lực nói “tôi chỉ biết bên Đài Loan gửi ảnh về và trao đổi thế” (?!)

Giải thích nội dung trong Hợp đồng số 22, công việc của chị Hương là sản xuất trong công xưởng, ông Lực nói: “Hợp đồng đó, công ty ký để tạo điều kiện cho lao động khi có nhu cầu vay vốn, chứ không phải hợp đồng ký thật” (?).

Sau đó, ông Lực cho PV xem một hợp đồng khác hoàn toàn với Hợp đồng số 22 và nói “hợp đồng này mới là thật”. Thể hiện công việc là “công nhân may”, đây là hợp đồng công ty gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước và làm visa cho lao động. Cuối cùng, lao động lại làm giúp việc gia đình (?!).

Thiếu trách nhiệm với NLĐ

Rõ ràng, công ty và những người có liên quan đã cố tình tạo bằng chứng giả, đẩy người lao động vào chỗ vi phạm hợp đồng nhằm trốn trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho lao động, né tránh việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.     

Trong văn bản gửi PV, thể hiện: “Trước khi lao động Hương đến công ty làm thủ tục nhập học, lao động đã học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết tại một trung tâm nào đó tại (Hà Tây cũ), giáo viên tại công ty kiểm tra lao động đã giới thiệu được bản thân thì mới làm fom gửi đi Đài Loan…”.

Còn khi làm việc trực tiếp, chị Hương khẳng định, trước đây chị chưa được học tiếng, khi nộp hồ sơ vào đây, chị chỉ được học 3 ngày. Vì không biết tiếng, trình độ lại hạn chế nên khi xảy ra tranh chấp, chị bị ép ký nhiều giấy tờ mà không hiểu nội dung trong đó viết những gì.

Hợp đồng làm việc 3 năm, tổng số tiền chị đã nộp là 4.600 USD cho môi giới tên Hưng, nhưng chị Hương mới được làm việc khoảng 10 tháng. Khi về nước, chị đến công ty đề nghị thanh lý hợp đồng và yêu cầu trả lại bớt tiền, sau nhiều lần thỏa thuận, công ty mới trả lại cho chị Hương 700 USD.

Có thể thấy, Công ty CP Thủy sản khu vực 1 rất thiếu trách nhiệm với người lao động, vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động xuất khẩu lao động. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm những vi phạm của đơn vị này, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thanh Bình