Trong thông báo mới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra các địa chỉ website như vậy: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io.
Hình ảnh giới thiệu về Online Network (Ảnh: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng)
Điểm chung của những mô hình kinh doanh này là đều chào mời người chơi mua cổ phiếu nội bộ với nguồn thu nhập hấp dẫn. Các dự án được giới thiệu theo xu thế "đi tắt đón đầu và gắn với giấy chứng nhận quốc tế".
"Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube các nhóm mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) như là "sân chơi" của những "bạn trẻ khởi nghiệp" của những "doanh nhân" muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua dạng mô hình tiếp thị liên kết", thông báo cho biết.
Hầu hết các dự án đó đều hướng tới các đối tượng trẻ, sinh viên. Dự án vẽ ra nhiều lợi ích, hoa hồng, thu nhập cao. Tuy nhiên, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam.
Qua xem xét các nội dung giới thiệu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá các mô hình hoạt động nêu trên có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động. Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, người dân không nên tham gia đầu tư hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án nêu trên.
Tính tới tháng 2/2020, cả nước có 22 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép hoạt động. Trong thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang lên kế hoạch để thanh tra 5 doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, những công ty kinh doanh đa cấp trái phép có thể bị xử lí hình sự với mức phạt 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Huy Trung