Các thương nhân đầu mối thuộc diện thanh tra gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty TNHH MTV dầu khí TP HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng tháp.
Theo kết luận thanh tra ủa Bộ Công Thương, một số thương nhân đầu mối thay đổi số lượng nhưng không báo cáo, đăng ký điều chỉnh theo quy định. Có tình trạng cửa hàng bán lẻ vẫn bán hàng dù giấy chứng nhận hết hiệu lực, chưa cấp mới.
Đáng chú ý, có việc một số thương nhân đầu mối đã mua xăng dầu từ thương nhân phân phối. Cơ quan thanh tra nhận xét, việc "bán ngược" này là chưa thực hiện đúng quy định về quyền, nghĩa vụ của thương nhân.
“Các thương nhân phân phối bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp theo quy định. Hành vi bán xăng dầu cho đầu mối kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4, điều 22 Nghị định số 99 năm 2020 của Chính phủ”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Cùng với đó, tình trạng vi phạm trong báo cáo tăng, giảm số lượng đại lý, thương nhân nhượng quyền, bán hàng khi giấy phép hết hạn cũng được ghi nhận. Những '' ma trận ' về sở hữu, tham gia góp vốn và cung ứng xăng dầu trong hệ thống giữa các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của các công ty con, công ty có vốn góp thuộc đồng sở hữu của một số doanh nghiệp đầu mối chưa rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý, chưa có đủ cơ sở để nhận xét, đánh giá về việc đồng sở hữu… cũng được cơ quan chức năng phát hiện.
Đặc biệt, với những quy định cứng về cung ứng xăng dầu, thực hiện quy trình đảm bảo an toàn trong kinh doanh xăng dầu cũng không được thực hiện nghiêm túc. Cá biệt, một số kho xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối chưa thực hiện đầy đủ các quy định như chưa trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
“Một số thương nhân đầu mối tại một số thời điểm chưa đảm bảo được hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Một số thương nhân có hành vi vi phạm hành chính khi không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định trong năm 2021. Một số công ty đã có các hành vi vi phạm hành chính liên quan không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định", kết luận thanh tra cho hay.
Kết luận thanh tra với 22 doanh nghiệp xăng dầu phía Bắc và miền Trung cũng được cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra là Tổng cục Quản lý thị trường ký ban hành.
Bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty Hải Linh, Công ty Xăng dầu Giang Nam, Công ty Tân Nhật Minh, Công ty Petro Bình Minh, Công ty vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty Anh Phát Petro, Công ty Phúc Lộc Ninh, Công ty Thiên Minh Đức, Công ty Hưng Phát, Công ty Hòa Khánh, Công ty Xuyên Việt Oil, Công ty Phúc Lâm, Công ty STS, Công ty Vĩnh Long Petro, Công ty Hồng Đức…
Chưa thực hiện trách nhiệm của thương nhân đầu mối, việc ký hợp đồng nhượng quyền, đại lý bán lẻ xăng dầu với chi nhánh chưa phù hợp quy định, mức dự trữ xăng dầu thấp hơn quy định.
Thậm chí thanh tra còn phát hiện số liệu báo cáo xuất, nhập, tồn kho có sự chênh lệch thực tế theo hóa đơn đầu vào…
Việc bán xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối, ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh xăng dầu khi thương nhân đó đang nhận quyền bán lẻ, cũng như chưa đảm bảo tổng nguồn… là chưa đúng quy định.
Hoặc có tình trạng doanh nghiệp không cung cấp mà giao khoán cho hệ thống đại lý bán lẻ chủ động mua xăng dầu của thương nhân khác. Các báo cáo số liệu về nhập, xuất, tồn gửi về Bộ Công Thương là chưa chính xác và đầy đủ…
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm của cơ quan chức năng có liên quan. Theo đó, tại các báo cáo của các thương nhân đầu mối gửi về hàng năm đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, việc duy trì hệ thống phân phối theo quy định.
Tuy nhiên, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhưng chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện các hành vi vi phạm hành chính và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.
Kết luận thanh tra cho rằng: “Qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại đơn vị trước khi cấp phép của một số thương nhân đầu mối, Đoàn kiểm tra do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Kết quả thanh tra cho thấy, một số vụ, cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu chưa tham mưu đầy đủ với lãnh đạo bộ để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định số 83.
“Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các Sở Công Thương, thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất", theo kết luận thanh tra.
Thiên Trường (T/h)