THCL Sản phẩm hài Tết “Làng ế vợ 3” vừa được phát tán trên Internet đã thu hút sự chú ý của nhiều khán giả. Bên cạnh những “tiếng cười nhạt” thì sản phẩm hài Tết này cũng  đang có dấu hiệu quảng cáo sai quy định.

Hãng phim Bình Minh “xé rào” vi phạm Luật quảng cáo? - Hình 1

“Làng ế vợ 3” của hãng phim Bình Minh có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo

Dày đặc những quảng cáo... phản cảm

Làng ế vợ vẫn xoay quanh câu chuyện về đám trai làng không lấy nổi vợ, sẽ được phát hành vào dịp Tết Đinh Dậu này, toàn những người bị tật như chột, câm, nói ngọng không cưa được gái làng mình nên nhất quyết bảo vệ và cấm trai làng khác sang tán. Bên cạnh những tiếng chọc cười nhàn nhạt được tác giả đưa vào, thì “Làng ế vợ 3” cũng có nhiều dấu hiệu quảng cáo sai quy định.

Ngay từ phút thứ 2,51, nhân vật ông Sung (do nghệ sỹ Quang Tèo) thủ vai trong một cảnh đám cưới đã vội chèn một quảng cáo cho sản phẩm bong bóng Ngọc Anh với lời thoại: “Giời ạ, bóng với bánh. Cái bọn Ngọc Anh này mong manh dễ vỡ quá”. Phút thứ 3:50 lại đến phân đoạn quảng cáo cho hãng thời trang NEM khi nhân vật Xoan đi sắm đồ. Tên thương hiệu, địa chỉ của cửa hàng thời trang này được xuất hiện một cách hết sức rõ ràng, trang trọng và liên tục.

Phân đoạn từ phút thứ 4 đến thứ 7 là sự xuất hiện cận cảnh và liên tục của thương hiệu xe đạp điện HK bike. Đến phút thứ 12 là sự xuất hiện của thương hiệu thạch sữa chứa Natty và thạch rau câu của công ty Long Hải... Ước tính, trong sản phẩm hài tết này của hãng phim Bình Minh có đến vài chục cái “quảng cáo 30 giây” với mức độ trung bình 3 phút/quảng cáo.

Đặc biệt, nhiều quảng cáo có phần khiên cưỡng, phản cảm. Trong phân đoạn đầu khi nhân vật Nhật Tinh Ngao và Ưng Hoàng Cóc sang Nga, thì một điều rất “khó hiểu” khi cảnh hai nhân vật này đứng nói trên đất Nga, nhưng xa xa lại xuất hiện hình ảnh biển quảng cáo ngoài trời của thương hiệu đồng hồ Đăng Quang Watch một cách liên tục, rõ ràng. Trong khi thương hiệu đồng hồ này chỉ có các hệ thống bán sản phẩm ở trong nước!

Nhà sản xuất “làng ế vợ 3” còn cho các sản phẩm sơn Viglacera dàn hàng hết kín cả khung hình, để quảng cáo cho sản phẩm này. Và không quên chèn vài câu thoại có nội dung quảng cáo cho sản phẩm sơn này rất... phản cảm: “Từ hôm sơn xong cái nhà này, bọn côn trùng nào là ruồi, muỗi, rán, ong, thạch sùng cứ nghĩ đây là công viên của chúng nó. Nó bậu vào chơi, trượt chân ngã oạch cái xuống đất, chấn thương sọ não, chết. Phải công nhận cái anh sơn này lợi hại thật”.

Sản phẩm hài tết này còn “viết kịch bản theo hợp đồng tài trợ” khi cho hai nhân vật chính của bộ phim vào vai 2 nhân viên giao hàng của Công ty Long Hải. Từ hình ảnh về logo công ty trên áo của nhân viên, đến biển hiệu công ty, kho công ty... liên tục xuất hiện trên khung hình để quảng cáo tối đa cho sản phẩm của công ty Long Hải. Điều đó khiến khán giả có cảm giác như “Làng ế vợ 3” là phim quảng cáo của Công ty Long Hải!

 Có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo?

Một thực tế đang diễn ra đó là nhiều phim hài Tết hiện nay, sản xuất dựa trên nguồn kinh phí của nhà tài trợ. Vì thế, có chuyện “viết kịch bản theo hợp đồng tài trợ”. Lái nội dung kịch bản theo hướng làm sao quảng cáo được nhiều nhất cho doanh nghiệp càng tốt. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra việc quảng cáo “vô tội vạ”, nhân vật của phim “thẳng thắn” hết lời quảng cáo cho sản phẩm của nhà tài trợ ngay trên phim.

 Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, theo Luật Quảng cáo thì quảng cáo không được phép xuất hiện quá 1/6 thời lượng của cả phim. Nghĩa là, một phim có thời lượng 100 phút, quảng cáo không được quá 6 phút. Vì vậy. không thể có chuyện tùy tiện chen các đoạn quảng cáo một cách thoải mái vào trong phim.

Trước “Làng ế vợ 3”, một loạt phim khác của Hãng phim Bình Minh như Đại gia chân đất 1,2,3,4,5,6; Làng ế vợ 1,2... cũng đầy rẫy những quảng cáo có phần phản cảm và có dấu hiệu sai quy định của pháp luật.

Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, các cơ quan quản lý đang thả lỏng khiến cho Hãng phim Bình Minh đưa quảng cáo “vô tội vạ” vào sản phẩm để kiếm tiền?

Luật Quảng cáo năm 2012 quy định rõ, thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng. Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình.

Lê Đại