Cụ thể, thị trường nội địa, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã giảm dần trong những tháng gần đây. Theo thống kê gần nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng container thông qua cảng tăng khoảng 17,5% so với cùng kỳ trong tháng 08 và chỉ tăng khoảng 2% trong 08 tháng năm 2022.
Như vậy, dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ đã phục hồi kể từ tháng 08 do mức nền so sánh thấp của năm ngoái, nhưng sản lượng vận tải hàng tháng đang giảm dần.
Số liệu thống kê mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng sản lượng xuất khẩu sang thị trường quốc tế như: Mỹ và Châu Âu tiếp tục giảm trong tháng 09 tại các cảng lớn như Cái Mép và Lạch Huyện.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, nhiều chuyên gia nhận định, mùa cao điểm vận tải biển thường thấy hàng năm có khả năng sẽ không xảy ra trong năm nay do hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Bên cạnh thách thức giảm cầu, hoạt động khai thác của các doanh nghiệp vận tải-cảng biển còn đối mặt với dự báo giảm cước vận tải những tháng cuối năm.
Chuyên viên Phạm Quang Minh, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) ước tính, từ nay đến quý I/2023, giá cước vận tải quốc tế tiếp tục giảm 10-12% do hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chậm lại từ mức nền hàng tồn kho cao trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, cùng với đó lạm phát tăng cao.
Giá cước nội địa cũng chịu áp lực giảm, với biên độ dao động khoảng 5% do nguồn cung các phương tiện vận tải biển hồi phục chậm.
Theo BSC, nguồn cung tàu nội địa bị sụt giảm mạnh vào quý III-IV/2021. Do các hợp đồng cho thuê định hạn thường kéo dài 01-02 năm, nên phải đến hết quý I/2023, các tàu cho thuê quốc tế mới quay trở lại thị trường nội địa, giúp tăng nguồn cung. Trong khi thị trường nội địa gần như không có nguồn cung từ tàu mới.
Năm 2022, thị trường vận tải biển không ghi nhận kế hoạch mua thêm tàu mới, hoặc đẩy tàu ngược về chạy nội địa. Nếu có, Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOS) sẽ mở rộng công suất đội tàu thông qua việc thuê thêm 02 tàu mới là Đại An và Đại Phú cho thời hạn 03 năm tới và thuê thêm một số tàu chở hàng khô khác theo hình thức tổng số chuyến xác định.
Về phía Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) tái ký được các hợp đồng cho thuê định hạn với giá cước cao. Trong trường hợp HAH khai thác các tàu mới, sẽ chuyển sang các tuyến dịch vụ Nội Á có giá cước cao, sản lượng tốt hơn.
Dưới góc nhìn của chuyên viên Nguyễn Quỳnh Hoa, Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS), dù hoạt động giao thương qua container có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi nhu cầu đối với hàng hóa chậm lại trong bối cạnh lạm phát cao đi kèm với nỗi lo suy thoái, triển vọng đối với ngành vận tải-cảng biển được dự báo khả quan trong dài hạn.
Dự báo này dựa trên nguồn cung container tăng mạnh trong năm 2023-2024, giãn cách xã hội được nới lỏng và cải thiện trong xung đột địa chính trị trên thế giới.
Hoạt động xuất nhập khẩu có thể tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới nhờ việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch.
Hoàng Thăng (t/h)