Sáng 22/09 tại Đà Nẵng đã khai mạc hội nghị thường niên 2022 Hiệp hội Cảng Biển Việt Nam (VPA). Hội nghị lần này tập trung thảo luận, tìm giải pháp để thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; bàn về phát triển cảng bền vững, xây dựng cảng thông minh, cảng xanh, chuyển đổi số…; đồng thời cập nhật những công nghệ và thiết bị xếp dỡ tiên tiến, các giải pháp tăng năng suất và hiệu quả khai thác cảng.
Hàng hóa, container thông qua cảng biển Việt Nam trong năm 2021 (năm có cách ly toàn phần để chống dịch) giảm gần 1% so với năm trước đó, nhưng sản lượng container tăng được khoảng 8%. Trong 06 tháng đầu năm 2022, sản lượng container thông qua cảng không còn tăng nhanh như trước khi có dịch. Cả năm 2022 dự kiến sản lượng hàng qua cảng tăng khoảng 6 - 8% so với 2021, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trước đây.
VPA cũng ghi nhận tỷ lệ sản lượng thông qua các nhóm cảng biển Việt Nam, gồm nhóm cảng số 4 là 60% (trong đó khu vực TP. Hồ Chí Minh chiếm 37%, khu vực cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải 23%), kế đến là nhóm cảng số 1 tại Hải Phòng 27%, nhóm 2 và 3 khu vực miền Trung 12%; nhóm 5 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 1%.
Theo Chủ tịch VPA Lê Công Minh, Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định mới của Luật Quy hoạch, tăng khung thời gian quy hoạch, tăng tính đồng bộ và vai trò của địa phương trong quy hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Trong trung hạn đến 2030, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng cảng biển dự kiến khoảng 13 tỷ USD để đạt mục tiêu tăng năng lực thông qua của cảng biển về hàng container lên 30-40 triệu TEU/năm. Theo ông Lê Công Minh, quy hoạch này có nhiều đổi mới hướng đến quy mô phát triển hạ tầng cảng biển mang tính đột phá.
“Hơn 90% kinh phí để thực hiện quy hoạch này sẽ huy động từ nguồn vốn đầu tư xã hội hoá. VPA sẽ tiếp tục cùng các cảng thành viên hiện thực hóa mục tiêu này. Hội nghị thường niên VPA 2022 là dịp để các hội viên tăng cường kết nối và hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành hàng hải và thị trường khai thác cảng theo hướng bền vững, đoàn kết, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh”, Phó Chủ tịch VPA Lê Công Minh nhấn mạnh.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Quyết định 1579/QĐ-TTg nêu rõ, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 5 nhóm: Nhóm 1 gồm 5 cảng biển: Cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định và cảng biển Ninh Bình. Nhóm 2 gồm 6 cảng biển: Cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị và cảng biển Thừa Thiên Huế.Nhóm 3 gồm 8 cảng biển: Cảng biển Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), cảng biển Ninh Thuận và cảng biển Bình Thuận. Nhóm 4 gồm 5 cảng biển: Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An. Nhóm 5 gồm 12 cảng biển: Cảng biển Cần Thơ, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Bến Tre, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Cà Mau, cảng biển Bạc Liêu và cảng biển Kiên Giang.
Quỳnh Vân (t/h)