Nước rửa chén Lipon không rõ nguồn gốc xuất xứ
“Nhìn hình đoán chữ”
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường bày bán tràn lan nước rửa chén Lipon (Thái Lan) với nhiều mùi vị và định lượng khác nhau, rất nhiều sản phẩm không hề dán tem phụ thể hiện bằng tiếng Việt, còn tem chính của sản phẩm thì hoàn toàn bằng chữ Thái Lan khiến NTD “mù tịt” - không biết đây là sản phẩm gì.
Trong vai người có nhu cầu kinh doanh hàng Thái Lan, PV được một nhà phân phối tại Hà Đông cho biết: “Với nước rửa chén Lipon, nếu em mua về để bán tại cửa hàng thì chị không khuyến khích, bởi đây là hàng ngoài không có hoá đơn đỏ, trên từng sản phẩm cũng không có tem phụ”.
Gọi theo số điện thoại được ghi trên thùng hàng (A.Bằng 0936823838/0961690209), anh Bằng cho biết: “Em mới mua hàng nên bên anh không xuất hóa đơn được, sau này khi mua nhiều, thì anh sẽ xin cho em một cái hóa đơn”.
Khi thắc mắc “hàng không có hóa đơn đỏ, nếu cơ quan chức năng kiểm tra thì xử lý thế nào?”, anh Bằng nói: “Bất kể cửa hàng kinh doanh hàng Thái Lan nào quản lý thị trường cũng kiểm tra, khi họ đến kiểm tra thì phải mất tiền cho họ thôi, nếu có hỏi thêm thì cứ nói hàng được nhập khẩu từ Công ty TNHH Sơn Trang (địa chỉ tại 323 phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội)” (?!)
Trong khi đó, căn cứ theo Mục 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 thì, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện, hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Cần sự trung thực
Cũng theo Mục 3, 4 Điều 8 của Nghị định 43, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc; nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt, từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại nghị định này.
Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Mặt khác, tại Điều 15 và Điều 18 của Nghị định 43: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa được thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và những nội dung khác (nếu có)”.
Liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của nước rửa chén Lipon, PV đã làm việc với Công ty CP TM&SX Kinh doanh Phú Minh, đại diện công ty này cho biết: “Không hiểu tại sao hàng Lipon trên thị trường lại có nhiều thế, trong khi công ty chúng tôi là đơn vị phân phối độc quyền tại miền Bắc, còn đơn vị nhập khẩu độc quyền từ Thái Lan, sản phẩm này ở trong Quảng Trị. Khi bán ra thị trường, chúng tôi có dán tem phụ đầy đủ, tem phụ thể hiện đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối là Công ty CP TM&SX Kinh doanh Phú Minh. Còn những sản phẩm không dán tem phụ, tôi cũng không hiểu ở đâu ra”.
Nhập nhèm xuất xứ
Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, các cửa hàng tiêu dùng treo biển “hàng Thái Lan” thường không chỉ bán hàng có xuất xứ Thái Lan, mà có cả hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, do không có tem nhãn phụ thể hiện bằng tiếng Việt. Trong khi đó, người bán hàng khi được hỏi sẽ luôn khẳng định “đây là hàng Thái Lan”.
Sữa tắm Balea đang bán tại cửa hàng safe & save
Tìm hiểu trên hệ thống cửa hàng Safe – save.vn (safe & save - hệ thống siêu thị hàng tiêu dùng Thái Lan), một cửa hàng của hệ thống này có địa chỉ (Kiốt 74, tòa nhà HH 3C KĐT Linh Đàm, Hà Nội) đang bày bán rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ. Thậm chí, có sản phẩm cũng dán tem phụ, nhưng NTD cũng không biết đâu mà lần, như sữa tắm Balea (300ml) có mã vạch đầu số 401, nhưng trên tem phụ không thể hiện đơn vị nhập khẩu, chỉ ghi hàng có xuất xứ từ Thái Lan, trong khi đó mã vạch của Thái Lan là đầu 885, chứ không phải là 401 (?!)…
Thiết nghĩ, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, NTD cần chọn mua sản phẩm tại những nơi có uy tín và đọc kỹ nhãn sản phẩm. Nếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, thì chỉ chọn mua những sản phẩm có ghi nhãn phụ đầy đủ, rõ ràng về nơi sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối… thể hiện bằng tiếng Việt. Vì nếu hàng nhập khẩu thật từ nước ngoài, thì đơn vị phân phối sản phẩm luôn muốn thể hiện rõ các thông tin tới NTD. Đó là cách tốt nhất để mua được những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, không chỉ riêng với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, mà cả những mặt hàng sản xuất ở những quốc gia phát triển.
Thanh Bình