THCL Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm lưu hành trên thị trường đối với 2.100 sản phẩm có chứa 19 hóa chất. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù Bộ Y tế đã khuyến cáo tới các nhà sản xuất và NTD, nhưng nhiều loại nước rửa tay chứa chất cấm vẫn bày bán tràn lan.

Hà Nội: Tràn lan nước rửa tay chứa chất cấm - Hình 1

 

Bày bán công khai

Trong kết luận của cơ quan này, những loại xà phòng chứa 19 hóa chất cấm (trong đó có chất Triclosan có trong xà phòng diệt khuẩn) đặc biệt không an toàn với sức khỏe.

Trước thông tin trên, Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu xà phòng tại Việt Nam báo cáo các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn chứa 19 chất cấm. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội, chất Triclosan có trong thành phần ghi trên bao bì sản phẩm của nhiều loại nước rửa tay nhãn hiệu nổi tiếng được nhiều người tin dùng như Dr Clean, Clinsoap... Ngoài ra, hoạt chất Triclosan còn xuất hiện phổ biến cả trong dầu gội, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, chất làm mềm vải, khăn giấy lau mặt…

Ngay cả sản phẩm tắm gội toàn thân cho trẻ em của nhãn hàng D-nee nhập khẩu từ Thái Lan cũng có thành phần sát khuẩn Triclosan. Tất cả các sản phẩm trên đều được trưng bày khá bắt mắt với đủ mùi hương, được quảng cáo vừa diệt khuẩn lại bảo vệ da tay.

Dạo qua một vòng những siêu thị lớn, nhỏ ở Hà Nội, từ những sản phẩm sản xuất trong nước đến những sản phẩm nhập khẩu tại nước ngoài, không ít sản phẩm chứa chất Triclosan. Đó là những thương hiệu nước rửa tay đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng hàng ngày như Xlinsoap, Clinsoap, Dr.Clearan, Dial, Soft&light, Goo Look.., một số sản phẩm dành cho em bé như D-nee cũng có thành phần Triclosan.

Riêng thương hiệu Dr.Clearan thì hầu như sản phẩm nước rửa tay nào cũng đều có thành phần Triclosan và được quảng cáo với công dụng diệt 99,99% vi khuẩn.

Tại một cửa hàng chuyên bán về hóa mỹ phẩm trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai), dòng sản phẩm diệt khuẩn Dial có xuất xứ từ Mỹ còn được quảng cáo trên màn hình Led công khai: Với thành phần Triclosan, giúp diệt mọi vi khuẩn có hại và ngăn ngừa sự phát triển của những dịch bệnh như cúm A-H5N1, H1N1, các bệnh có liên quan đến đường hô hấp, tay – chân – miệng…

Ngay tại các hệ thống siêu thị, thương hiệu nước rửa tay Good look cũng được bày với dòng quảng cáo kháng khuẩn tới 99% nhờ Triclosan. Thậm chí, một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Nguyễn Trãi còn bán sản phẩm dành cho trẻ em được nhập khẩu từ Thái Lan (D-nee). Ngoài thị trường nước rửa tay, phóng viên còn tìm thấy chất Triclosan có trong thành phần của sữa tắm, xà phòng và dầu gội đầu.

NTD nên thận trọng

Theo các chuyên gia y tế, nhìn chung tất cả sản phẩm tẩy rửa đều có hóa chất độc hại. Nhưng nếu so ra thì các sản phẩm tẩy rửa trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc cho con người hơn. Lý do là các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng nên có thể chứa chất độc hại không được phép sử dụng. Hơn nữa, do được pha chế tùy tiện nên trong quá trình "cộng gộp" các chất với nhau có thể dẫn đến nhiều phản ứng hóa học phát sinh thêm các độc tố khác.

Tác hại của Triclosan có trong mỹ phẩm đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo. FDA đã liệt kê Triclosan là một trong 19 chất không được lưu hành, kể từ tháng 9/2016 tại nước này.

Tiếp đó, ngày 15/9/2016, trong công văn của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) gửi các DN, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, nêu rõ: “Các DN chủ động rà soát thành phần công thức của các sản phẩm mỹ phẩm đã công bố với cơ quan quản lý (Cục Quản lý dược, các sở y tế) với tính năng sát khuẩn và có kế hoạch thay thế chất diệt khuẩn có trong thành phần sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối các sản phẩm mỹ phẩm có hiệu quả thực sự cho người tiêu dùng”. Tuy nhiên, những sản phẩm có chứa những chất mà FDA cấm vẫn đang được bày bán tràn lan tại thị trường Việt Nam.

PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Triclosan là chất sát trùng, có tác dụng rất mạnh trong sát khuẩn, nhưng cũng rất độc hại nếu sử dụng thường xuyên và liên tục. Chất Triclosan có tác dụng diệt khuẩn, nếu da tay có vết xước thì không nên rửa bằng chất này, bởi nó sẽ ngấm vào cơ thể gây độc máu…”.

Cũng theo ông Thịnh, nếu chỉ dùng với lượng nhỏ thì cơ thể sẽ đào thải, còn nếu lượng lớn chất Triclosan được tích tụ lâu trong cơ thể, sẽ gây ung thư nặng và nguy cơ tử vong cao.

Triclosan được sử dụng khá phổ biến với vai trò là chất bảo quản trong nhiều loại mặt hàng mỹ phẩm; trong các sản phẩm như kem đánh răng, sản phẩm rửa tay, sữa tắm… được sử dụng với công dụng là chất diệt khuẩn.

Vì vậy, khi đi mua sắm, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ hơn về thành phần của sản phẩm để tránh việc rước họa vào người.

Gia Huy