Nhân dịp Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ, chia sẻ với Luật sư Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) – người không trực tiếp khoác áo blouse trắng, nhưng mang trái tim của một “bác sỹ” có tâm, có đức, có tài, đã truyền cảm hứng tình yêu, đam mê y đức cho đội ngũ nhân viên y tế của toàn Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phạm Văn Học

Ông có hơn 20 năm hoạt động trong ngành kiểm sát. Vậy cơ duyên nào đưa ông trở thành một doanh nhân, người sáng lập, nhà đầu tư và là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hùng Vương?

Sinh ra, lớn lên tại huyện miền núi nghèo Yên Sơn (Tuyên Quang), trong một gia đình thuần nông, tình hình tài chính eo hẹp. Ngay từ nhỏ, khi theo bố mẹ lên trạm y tế, nhìn thấy các bác sỹ mặc áo trắng thăm khám, chăm sóc người bệnh đã gây ấn tượng, thích thú đặc biệt trong tôi.

Ban đầu, yêu thích môn học khối xã hội, tôi tập trung học tốt, khi hết cấp ba - năm 1986, lựa chọn trường thi đại học - hình thành, lựa chọn nghề nghiệp, tôi mới nhận biết được, để trở thành bác sỹ phải thi đỗ khối B (toán, hóa, sinh), trong khi tôi học tốt môn xã hội khối C (văn, sử, địa). Để an toàn, tốt nhất, tôi quyết định thi khối C vào trường Cao đẳng Kiểm sát (hiện nay là Trường Đại học Kiểm sát), để trở thành luật sư.

Ra trường năm 1990, tôi nhận công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) làm một luật sư, với hừng hực niềm tin mang đến sự khách quan, bình đẳng trong mọi vụ việc, vụ án. Nhưng cũng từ đây, giúp tôi hiểu sâu hơn về cuộc sống và nghề nghiệp...

Song song với quãng thời gian học đại học, tôi trải qua sự mất mát, đau đớn tột độ trước sự ra đi của bố tôi (năm 1988), sau này của mẹ vì bệnh hiểm nghèo. Cũng khoảng thời gian bố mẹ bị bệnh, nằm viện, tôi nhận ra những hạn chế trong thái độ khám chữa cho người bệnh của một số y bác sỹ. Nhất là việc chậm chạm cấp cứu, xử lý chuyển tuyến kịp thời cho một số người bệnh chỉ vì họ nghèo…; khiến tình trạng bệnh nguy kịch hơn, thậm chí có những biến chứng rất xấu để lại. Lúc này, tôi nghĩ nhiều hơn về chữ tâm đối với ngành y.

Bên cạnh đó, bản thân chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, có những cái chết thương tâm. Thương tâm, bởi có người bị tai nạn, đáng lẽ có cơ hội được cứu sống nếu thụ hưởng công tác cấp cứu, sơ cứu y tế chuyên nghiệp, khẩn trương nhưng họ bị chết do không được cấp cứu kịp thời, khoảng thời gian xảy ra tai nạn khi có xe cứu thương, nhân viên y tế tới quá dài hoặc được người xung quanh chuyển tới bệnh viện bằng phương tiện không chuyên dụng (xe máy…). Thực tế, hiện ra trước mắt tôi những hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất khám chữa bệnh càng làm cho tôi đau đáu, hướng tới hoạt động y tế nhiều hơn.

Khao khát có một cơ sở y tế để có thể trực tiếp đem đến những điều tốt đẹp cho người bệnh đã thôi thúc tôi bén duyên sang hoạt động y tế vào năm 2005. Lúc này, người thân, đồng nghiệp, bạn bè đều cho rằng tôi liều lĩnh, ngông cuồng. Nhưng với tôi đó là hiện thực hóa ước mơ. Thế là, tôi bắt tay xây dựng, vận hành Phòng khám Cẩm Khê (Phú Thọ) với nền tảng “ba không” - không mối quan hệ, không có nhiều tiền và không có kinh nghiệm. Nhanh chóng, phòng khám của tôi bị đóng cửa chỉ sau khi đưa vào hoạt động được vài tháng.

Nói vậy, ông đã thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế. Vậy ông đã xây dựng Bệnh viện đa khoa Hùng Vương như thế nào?

Đúng là thất bại! Sau đó là cả quá trình gian nan, nỗ lực của bản thân tôi để tiếp tục theo đuổi hành trình với ngành y tế. Điều quan trọng là cho dù khó khăn đến mấy tôi cũng không tuyệt vọng, buông bỏ. Tôi luôn nghĩ, nếu không đứng ngay lên từ thất bại, ngày mai khi bình minh đến, mọi việc có thể đã quá muộn. Vì vậy, năm 2006, tôi tiếp tục mở Phòng khám ở thành phố Yên Bái. Sau 2 năm, khi phòng khám đang hoạt động hiệu quả, tôi rút toàn bộ đầu tư. Nhiều người nghĩ tôi lại thất bại. Nhưng với tôi, đó chính là thành công và thành công nhất là đúc rút được bài học, kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của một bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở y tế và tôi đã vận dụng bài học này vào xây dựng Bệnh viện đa khoa Hùng Vương. Để tập trung xây dựng, phát triển Bệnh viện Hùng Vương, tôi đã quyết định rẽ ngang từ ngành kiểm sát với hơn 20 năm gắn bó và tìm gặp, thuyết phục người em thân thiết của mình là Trần Liên Việt (hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) thành lập Công ty TNHH Phát triển Y Học Việt - đơn vị chủ quản của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Thú thật, bắt tay triển khai dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Hùng Vương năm 2008, tôi và các cộng sự còn rất mơ hồ, về đầu tư, về xây dựng, tài chính và một loạt các vấn đề liên quan hoạt động bệnh viện. Thế nên làm tới đâu chúng tôi học tới đó, cũng có nhiều bài học đau đớn lắm, nhưng may mắn là đều đã vượt qua và chính thức Bệnh viện Hùng Vương đi vào hoạt động từ năm 2010. Yếu tố đầu tiên để hoạt động một bệnh viện tư hay phòng khám là phải có cơ sở vật chất, điều kiện tốt để chăm sóc bệnh nhân. Song, để việc điều trị thật sự chất lượng và quyết định sự thành công của cơ sở y tế là đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế.

Để giải quyết bài toán nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, tôi dốc sạch tài sản của bản thân, gia đình và phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính người thân, anh chị em họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè. Nghĩ lại, tôi không hiểu vì sao, những người thân quen lại tin tưởng và toàn tâm toàn ý cắm nhà, cắm xe… vào ngân hàng để rút nhiều tiền cho tôi vay làm bệnh viện. Thế là, tôi có đủ tiền xây bệnh viện.

Xác định rõ, con người là yếu tố quyết định thành công của bệnh viện. Do đó, công tác nhân sự, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng được tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Cũng trong khoảng một năm vừa song song tìm kiếm nguồn vốn, đối tác đầu tư xây dựng bệnh viện, tôi ngấm ngầm xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên môn. Lúc đầu công bố nhân sự, tôi chỉ có 6 bác sỹ, nhưng thực tế con số này nhiều hơn và tôi tuyển chọn 20 điều dưỡng để gửi đi đào tạo nâng cao theo tiêu chuẩn mới.

Một điểm nhấn riêng biệt ở Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đó là đội ngũ bác sỹ cộng sự “đồ sồ” ngay từ ban đầu hoạt động cho đến hiện nay, và luôn đáp ứng thực hiện nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu mà không phải cơ sở y tế nào cũng làm được. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, mời những bác sỹ hàng đầu từ các nước có nền y học phát triển trên thế giới như Singapore, Nhật Bản... về cộng tác tại đây.

Để thu hút được đội ngũ bác sỹ, yếu tố quan trọng nhất là tình cảm, cùng với sự đảm bảo cụ thể về điều kiện sống và làm việc. Bệnh viện Hùng Vương cũng coi trọng yếu tố chuyển giao và kế thừa, bên cạnh đội ngũ các giáo sư, bác sỹ giàu kinh nghiệm cộng tác, là những bác sỹ trẻ, giàu nhiệt huyết, ham học hỏi và nhanh nhạy trong tiếp cận các kỹ thuật y tế mới. Còn hệ thống điều hành được quản lý bởi những nhân sự có trình độ chuyên sâu về tài chính, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Học thăm, tặng quà, động viên người bệnh đang điều trị tại bệnh viện Hùng Vương.
Ông Phạm Văn Học thăm, tặng quà, động viên người bệnh đang điều trị tại bệnh viện Hùng Vương.

Ngoài chính sách lương thưởng cạnh tranh để thu hút và giữ nhân sự giỏi, quan niệm của tôi là đã đầu tư vào y tế thì sẽ không tiếc cho việc đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nếu phụ trách chuyên môn yêu cầu trang thiết bị nào đó, nhất định phụ trách điều hành phải đáp ứng. Tất nhiên, bệnh viện cũng khó có nguồn lực vô tận để đầu tư dàn trải, mà chủ yếu đầu tư theo chiều sâu, tập trung cho một vài lĩnh vực thế mạnh, mũi nhọn.

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực y tế giữa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không chỉ dừng lại ở trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sỹ có tay nghề, mà còn là cuộc chạy đua cải tiến chất lượng phục vụ. Song để có dịch vụ tốt, tôi quan niệm, hành động phải đến từ trái tim.

Xuyên suốt hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hùng Vương luôn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng y đức. Nếu như mọi người để ý, khắp viện, chúng tôi không treo khẩu hiệu về ngành y tế - “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”…, bởi treo khẩu hiệu sẽ giới hạn hành động trong khuôn khổ cơ sở làm việc, còn tại Hùng Vương, đội ngũ nhân viên y tế luôn thấm nhuần tư tưởng y đức trong trong trái tim, khối óc và luôn coi người bệnh như người thân để chăm sóc chu đáo, tận tình.

Chỉ số quan trọng nhất đối với chúng tôi là số lượng khách hàng đến khám chữa bệnh, chứ không phải là số tiền họ sẽ chi ra nhiều hay ít. Chúng tôi tin vào giá trị mình mang lại cho khách hàng và tin tưởng rằng, khi khách hàng đã khỏi bệnh, đã hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, cũng như dịch vụ, thì chắc chắn họ sẽ quay lại, không chỉ mình họ, mà còn có cả người thân, gia đình và bạn bè họ. Riêng trong lĩnh vực y tế, nhà đầu tư sẽ phải xác định đi đường trường và lợi nhuận không phải là số một.

Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã khẳng định uy tín và vị thế điểm sáng y tế của cả vùng, là bệnh viện tư nhân đầu tiên trong cả nước trở thành Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung Ương. Hiện bệnh viện có 13 khoa, 10 phòng với 160 bác sỹ, 262 điều dưỡng, 41 kỹ thuật viên… Ngoài công tác chuyên môn, Bệnh viện chú trọng đến các công tác an sinh xã hội, thường xuyên hỗ trợ cộng đồng bằng việc tổ chức các hoạt động kết nối yêu thương, lan tỏa giá trị sống, các đợt khám bệnh miễn phí, phát động các phong trào tặng quà, tặng suất ăn từ thiện; miễn phí vận chuyển 24/24 các bệnh nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn Đoan Hùng, miễn viện phí cho các trường hợp bệnh nhân khó khăn…

Trong quá trình xây dựng và vận hành bệnh viện, ông gặp rất nhiều khó khăn, có lúc gần như đi vào đường cùng, nhưng đã tìm ra giải pháp. Vậy ông chia sẻ bí quyết của sự thành công?

Quan trọng nhất vẫn là phải tranh thủ mọi cơ hội và mọi điều kiện sẵn có quanh mình. Chúng tôi đã tranh thủ sự hỗ trợ đúng người, đúng lúc và đúng việc. Với tôi, bí quyết thành công không phải mối quan hệ, tài chính, mà chính là sức mạnh của con người, mọi hành động xuất phát từ trái tim. Mình phải truyền được tư tưởng, tâm huyết và mong muốn cống hiến cho cộng sự, thì mới có thể phát triển vững mạnh. Thứ quý giá nhất với chúng tôi, không phải những tấm bằng khen, mà chính là “lợi nhuận” - nụ cười, sức khỏe ngày càng được cải thiện tốt hơn của người bệnh.

Thời gian tới, ông có ấp ủ và dự định gì?

Mong muốn lớn nhất của tôi là mở rộng thêm một số cơ sở y tế khám chữa bệnh theo mô hình Bệnh viện Hùng Vương, nhưng không phải dàn trải vì “sức” của tôi có hạn. Cũng phải nói thêm, hiện nay, chúng tôi có một số lời đề nghị hợp tác của các nhà đầu tư để triển khai dự án y tế nhưng tôi hiểu rõ, khi mình đồng ý nhận lời hợp tác thì nhà đầu tư sẽ bỏ kinh phí để mình làm, việc này kéo theo điều chỉnh, ràng buộc theo điều khoản của nhà đầu tư - sẽ làm tư tưởng xây dựng, vận hành mô hình bệnh viện của tôi bị mai một đi. Do đó, tôi không lựa chọn con đường hợp tác đầu tư này. Nhiều người cho rằng, đây là sự lãng phí khi tôi tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm đủ để làm dự án lớn.

Nhưng thực tế, những thành công của bệnh viện Hùng Vương, tư duy về đầu tư y tế, kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình hoạt động y tế, tôi đã chia sẻ, lan tỏa bằng cách tham gia vào Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, tham gia vào nhóm nghiêm cứu dự án luật Bộ y tế, Hội quân dân y...; đã có nhiều bệnh viện tư nhân, thậm chí bệnh viện công đã và đang chắt lọc, áp dụng cụ thể một phương thức của mô hình bệnh viện Hùng Vương để vận hành. Như vậy là tôi thành công!

Song, đằng sau tất cả công việc đang làm, tôi nhận ra gốc rễ của mọi sự hạn chế chính là nhận thức của con người. Từ thực tế này, tôi mong muốn, xây dựng, phát triển một cơ sở giáo dục theo mô hình, ngoài chức năng giáo dục văn hóa, còn có các chức năng về kỹ năng sống, truyền thông, tin học, nghệ thuật, tổ chức sự kiện, giải trí văn hóa... nhằm tạo điều kiện cho học sinh có môi trường thực tế để có thể sớm phát hiện, hình thành đam mê nghề nghiệp để theo đuổi. Có nghĩa, quan điểm giáo dục của tôi là giáo dục để phát huy tất cả những khả năng của một cá nhân, chứ không phải lùa tất cả theo định hướng, tiêu chuẩn. Nếu hoạt động y tế cứu từng người, thì giáo dục đúng hướng có thể hình thành cả một thế hệ, một xã hội tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoan Nguyễn